Sáng 23-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã có chuyến thị sát nhà ven kênh tại kênh Đôi (quận 8, TP HCM). Theo báo cáo của Quận ủy quận 8, hiện trên địa bàn quận còn khoảng 9.500 căn nhà ven kênh rạch, tập trung chủ yếu ở kênh Đôi và kênh Tàu Hủ - Lò Gốm,...
Rời kênh là có nhà
Riêng khu vực kênh Đôi có hơn 5.300 căn với hơn 32.000 nhân khẩu. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Bí thư Quận ủy quận 8, địa phương đã đề ra 2 phương án di dời nhà dân trên kênh Đôi. Theo đó, phương án 1 là di dời toàn bộ 5.352 nhà dân ven kênh với tổng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 13.700 tỉ đồng. Phương án 2 là chỉ phải di dời khoảng 2.900 căn để xây dựng kè và đường giao thông dọc bờ kênh với mức kinh phí bồi thường chỉ khoảng 3.800 tỉ đồng.
So sánh hiệu quả 2 phương án, UBND quận 8 đề xuất thực hiện phương án 1. Dù với mức kinh phí bồi thường ban đầu cao hơn nhưng phương án 1 có khả năng tạo ra quỹ đất lớn sau giải tỏa có thể tiến hành đấu giá, khai thác kinh tế để bù lại kinh phí thực hiện; mặt khác giúp chuyển biến căn bản địa bàn, xây dựng bộ mặt đô thị hiện đại.
“Mật độ xây dựng cần tính toán làm sao để giúp tạo ra nguồn vốn, giúp công tác di dời giải tỏa và ổn định và nâng cao cuộc sống người dân. Nếu chúng ta xây dựng cơ chế chính sách tốt, nhà đầu tư cũng có thể tham gia đền bù giải phóng mặt bằng. Chủ yếu là cơ chế cho việc này, cái gì nhà nước lo, cái gì nhà đầu tư lo” - ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, lưu ý.
Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, nan giải hiện nay là tái định cư (TĐC) với các hộ khó khăn. Trong 9.500 căn nhà nằm trên kênh rạch quận 8 có đến 1/3 căn có giá trị bồi thường giải tỏa thấp, số tiền không đủ để mua một căn hộ TĐC. Qua đó, ông Tuấn đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng ngay khung chính sách cho việc bồi thường TĐC để sớm triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng kể câu chuyện: Khi gặp người dân sống ven kênh Đôi, tôi hỏi bà con có đồng ý với dự án của TP là đưa bà con đến nơi ở mới tốt hơn không, hầu hết đều trả lời muốn có một nơi sống mới. Theo đó, việc này không còn thuần túy là di dời dân để cải tạo kênh rạch nữa. Ngay cả khi không cải tạo kênh thì người dân cũng cần được di dời đến nơi ở mới, cuộc sống tốt hơn. “Việc rất bức thiết cần thực hiện ngay với tốc độ nhanh chứ không lề mề được” - ông Thăng nói.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ, Bí thư Thăng đồng ý kiến nghị thành lập tổ công tác liên ngành của TP do ông Lê Văn Khoa đứng đầu để giải quyết công tác di dời, TĐC người dân nơi đây.
Về giải pháp thực hiện, Bí thư Đinh La Thăng cho biết tinh thần là giảm tối đa ngân sách nhà nước. Theo đó, các bên phải có phương án cụ thể để triển khai dựa trên nguyên tắc: Giao cho doanh nghiệp làm. Nhà nước có thể hỗ trợ nguồn vốn từ công ty đầu tư tài chính. Doanh nghiệp có thể thu hồi tiền bằng cách khai thác quỹ đất sau di dời, kinh phí còn thiếu bao nhiêu thì ngân sách nhà nước tham gia.
Riêng các dự án TĐC, Bí thư Thành ủy chỉ đạo triển khai ngay trên tinh thần xã hội hóa, giao cho doanh nghiệp vào làm. Quận 8 làm chủ đầu tư, TP sẽ phân quyền cao nhất cho quận 8 để thực hiện. “Tất cả người dân trên kênh rạch khi dời đi, kể cả không đủ điều kiện đền bù một căn hộ thì nhà nước cũng phải xây cho họ một căn hộ” - ông Thăng nhấn mạnh.
Đi liền
Trở lại khu vực kênh Đôi trưa 23-5, chúng tôi ghi nhận dòng nước đen bốc mùi hôi nồng nặc khiến những hộ dân nơi đây phải đóng chặt cửa nhà để tránh ô nhiễm. Từ mặt tiền đường Phạm Thế Hiển (đoạn thuộc phường 6, quận 8) đi ra phía bờ kênh là những con hẻm ẩm thấp, tối om. Hé cửa nhà để tiếp chuyện phóng viên, bà Nguyễn Thị Hào (56 tuổi) cho biết gia đình bà sống ở khu vực này đã hơn 40 năm. Ngoài chuyện phải gánh chịu ô nhiễm thường trực thì mỗi khi mực nước dâng cao do triều cường hoặc mưa lớn, cả gia đình bà đều nơm nớp lo sợ nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Bà Hào thông tin thêm ở khu vực này có hàng chục hộ không đủ điều kiện TĐC nên nếu chỉ nhận tiền hỗ trợ di dời thì chỉ có nước... chết! “Nay nghe ông bí thư hứa ai rời kênh cũng có nhà nên ai cũng mừng” - bà Hào chia sẻ.
Theo bà Hào, cách đây hơn 1 năm, chính quyền địa phương có đến khu vực này khảo sát và đưa ra phương án bồi thường cho những hộ dân có nhà ở ven kênh. Tuy nhiên, mức giá đền bù quá thấp để mua một nền đất TĐC mới nên ít ai đồng thuận.
Trái với niềm vui của những hộ dân sống trên kênh, rạch quận 8, vì chưa có lời hứa “rời kênh là có nhà” của Bí thư Đinh La Thăng, hiện hàng trăm chủ căn nhà “ổ chuột” nằm ven các kênh, rạch Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Xuyên Tâm... ở quận Bình Thạnh vẫn đang lo sợ khi di dời không đủ tiền mua căn hộ.
“Nếu được lời hứa như bên quận 8 thì chúng tôi không có lý do gì không rời kênh để lên nơi ở tốt hơn, không còn phải lo không đủ tiền mua căn hộ TĐC” - ông Bùi Văn Hòa, nhà ven rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), khẳng định.
Phải phỏng vấn từng hộ dân
Liên quan đến việc di dời 5.800 căn nhà trên kênh Đôi - Tẻ (thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3), ông Mori Mutsaya, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho hay điều quan trọng nhất để JICA quyết định hỗ trợ nguồn vốn cho dự án là chất lượng của phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo đó, JICA đề nghị phải phỏng vấn từng hộ dân và JICA sẽ cung cấp những hướng dẫn mới về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng từng khẳng định: Chủ trương của TP là người dân TĐC phải có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng so với nơi ở cũ.
Bình luận (0)