Sau cuộc họp với các sở, ngành, quận - huyện về việc góp ý xử lý các dự án chậm tiến độ, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM đã gửi danh sách 48 dự án (30 dự án nhà ở và 18 dự án sản xuất - kinh doanh) không gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư về 24 quận - huyện để góp ý thêm.
Rà soát phải có “điểm dừng”
Địa phương là nơi nắm sâu sát tình hình thực hiện dự án nhất. Dẫu vậy, theo ông Kiệt, rà soát nào cũng phải có điểm dừng, để tránh kéo dài thời gian, nhất là tình trạng dự án nào cũng thuộc dạng “ưu tiên”, “ngoại lệ”. Những dự án sau nhiều năm được chấp thuận địa điểm đầu tư vẫn “án binh bất động” không hề có hạng mục đầu tư nào, cần phải “trảm”. Ví dụ, dự án khu dân cư tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, diện tích 253.452 m2, đã có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư từ năm 2002 nhưng đến nay tỉ lệ giải phóng mặt bằng vẫn bằng 0…
Trong thông báo, sở lưu ý các quận - huyện nên xét tính cần thiết của dự án đối với kinh tế địa phương cũng như kết nối được với hạ tầng trong khu vực. Đến ngày 10- 3, nếu địa phương nào không có ý khác với danh sách trên, sở sẽ báo cáo UBND TP trình lên Thành ủy.
Theo thứ tự ưu tiên giải quyết các dự án chậm tiến độ, sau khi giải quyết xong 48 dự án trên, sở sẽ tiếp tục giải quyết danh sách 43 dự án thuộc diện đã có quyết định giao đất, thu hồi đất, tỉ lệ bồi thường dưới 50%. Như vậy, trong quý I/2013, sẽ có trên 90 dự án bị “trảm”. Sau đó, sở sẽ tiếp tục lấy ý kiến quận - huyện về 300 dự án thuộc dạng chấp thuận địa điểm đầu tư, tỉ lệ bồi thường trên 50%, trình UBND TP đến hết năm 2013.
Chủ đầu tư vẫn còn cơ hội
Theo Sở TN-MT TPHCM, cần lưu ý đây là các dự án chấp thuận địa điểm đầu tư, chưa có quyết định giao đất - thu hồi đất. Vì thế, khi không chấp nhận văn bản xin gia hạn cũng có nghĩa là chấm dứt dự án của nhà đầu tư đó chứ không thu hồi đất dự án. Phần đất nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng, họ có thể tiếp tục dự án nếu trúng thầu, có thể góp vốn kinh doanh với chủ đầu tư mới hoặc sẽ được chủ đầu tư mới bồi thường giải phóng mặt bằng như các hộ dân khác trong khu vực.
Đối với các dự án nhà ở, trường hợp các chủ đầu tư vẫn muốn thực hiện sẽ được Sở Xây dựng hướng dẫn làm thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Đối với khu đất thực hiện dự án chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì thực hiện hình thức đấu thầu chọn chủ đầu tư. Đối với khu đất đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì thực hiện hình thức chỉ định chủ đầu tư.
Đề xuất cấp chủ quyền nhà đất trong vùng quy hoạch “Trảm” dự án “rùa” để chấn chỉnh công tác đầu tư nhưng đối với một số khu vực, việc chuyển pháp lý từ đất dự án sang đất quy hoạch cũng không tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong quyền lợi của người dân. Hiện nay, UBND TPHCM đang dự thảo tờ trình báo cáo Thường trực Thành ủy về chủ trương, biện pháp xử lý các dự án, giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của người dân sử dụng đất, trên cơ sở đề xuất, tham mưu của các quận - huyện, sở - ngành. Trong đó, đề xuất hướng giải quyết quyền lợi người dân trong khu quy hoạch. Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND TP kiến nghị Bộ TN-MT cho phép và hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đối với các trường hợp đã sử dụng nhà đất trước ngày 1- 7- 2006, trước khi có quy hoạch được công bố và không phù hợp quy hoạch nhưng quy hoạch đó chưa xác định được thời gian thực hiện. Về việc cấp giấy phép xây dựng, UBND TP xin chỉ đạo của Thành ủy xem xét cấp phép trong 4 trường hợp: đất không phù hợp quy hoạch được duyệt nhưng chưa có quyết định thu hồi; nhà ở riêng lẻ thuộc phạm vi quy hoạch lộ giới các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong khu đô thị đã được phê duyệt nhưng chưa có kế hoạch tổ chức thực hiện; đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư đô thị hiện hữu nhưng chưa có quyết định thu hồi đất và việc xây dựng, sửa chữa công trình trong khu đô thị hiện hữu. |
Bình luận (0)