Năm 1988, đông đảo thanh niên đã quyết tâm ra quần đảo Trường Sa. Buổi sáng định mệnh 14-3-1988, 64 chiến sĩ phía ta đã hy sinh trong cuộc tấn công của lính Trung Quốc, trong đó có 7 thanh niên quê phường Hòa Cường, quận Hải Châu - TP Đà Nẵng.
Đã hơn 20 năm trôi qua, giờ gặp lại gia đình những chiến sĩ này và cả những người may mắn được trở về, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện vô cùng xúc động.
Quyết tâm lên đường
Cả xóm chài Hòa Xuân, phường Hòa Cường, năm ấy ai cũng biết đến Lê Văn Xanh khi anh là một thanh niên hát hay, đàn giỏi, kể chuyện có duyên… Ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Xanh, không giấu tự hào khi kể về người con trai đầu trong gia đình có 7 người con của mình.
Ông Xuân bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, Xanh quen một cô gái cũng đã lâu nhưng nó quyết đi lính về mới cưới. Năm 23 tuổi, Xanh nhập ngũ, hơn một năm sau thì hy sinh.
Hôm nghe Trường Sa của ta bị đánh, vợ chồng tôi hối hả chạy ra chỗ đài phát thanh đang đọc danh sách những chiến sĩ mất tích. Chân chạy mà vấp té mấy lần vì run, ra đến nơi, đợi đến số thứ tự 71 trong 74 chiến sĩ mất tích mà vẫn chưa có tên con mình, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Khi phát thanh viên đọc đến 72 - Lê Văn Xanh, tôi và vợ ngã quỵ”. Vợ chồng ông thẫn thờ dìu nhau về nhà, quãng đường vài chục mét mà đi mãi không thấy đến nơi, lòng quặn đau như có ai xát muối.
Cha đang nằm bệnh sau phẫu thuật đợi ngày cắt chỉ ra viện, anh Lê Văn Sự vẫn quyết tâm ra đảo. “Bạn bè con ai cũng đi hết, chẳng lẽ con lại ở nhà”- anh nói với cha mẹ. Sự đến bệnh viện thăm cha rồi từ biệt.
Nào ngờ đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Sự, dù đã qua tuổi 80 nhưng vẫn nhớ như in ngày con trai hy sinh cũng là lúc chồng bà qua đời.
Ông Nguyễn Văn Tấn, một trong những chiến sĩ có mặt
trong trận chiến năm 1988, giờ đã là ông chủ một cơ sở sửa xe
Nằm ở bệnh viện trong lúc chờ cắt chỉ, vô tình nghe bản tin thông báo tên của những chiến sĩ mất tích ở Trường Sa, thế là ông quỵ ngã. Tin con trai mất tích trên biển đã làm ông không thể chống chọi với căn bệnh và ra đi ngay trong chiều hôm đó khi y tá rút máy thở ôxy.
Bà Muộn dường như sụp đổ hoàn toàn, con mất tích, chồng ra đi, nỗi đau chồng chất. Gắng gượng vượt qua nỗi đau ấy để nuôi 9 người con còn lại mặc dù nỗi nhớ con trai vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Bà mang chiếc áo hải quân, kỷ vật của con được đồng đội mang về, cắt ra thành tấm áo khoác trong những ngày đông lạnh. Phần còn lại bà bỏ vào bao gối để gối đầu. “Mỗi lần mặc áo hoặc đi ngủ là nhớ con da diết. Thôi, dẫu sao con cũng ra đi vì biển đảo, tôi vì thế mà cũng thỏa lòng”. Nói rồi bà mân mê phần cổ áo còn lại trên chiếc gối đầu mà rơm rớm nước mắt.
Những ngày tháng không quên
Tôi tìm đến chỗ làm của ông Nguyễn Văn Tấn, một cơ sở sửa chữa xe máy khá khang trang trên đường Núi Thành. Ông cũng là một trong những người lính của phường Hòa Cường năm đó.
Ông cười hiền hòa “Nếu muốn nghe chuyện năm đó thì kể cả ngày cũng không hết, nó giống như một cuộn phim quay chậm mà từng chi tiết tôi vẫn còn nhớ rất rõ”. Người lính hải quân năm nào chậm rãi kể cho tôi nghe câu chuyện về những tháng ngày lênh đênh trên biển cho đến ngày định mệnh khi ông và đồng đội được tỏa ra hai hướng. Nhiều đồng đội của ông đi trên chuyến tàu HQ 604 đã hy sinh.
Ông Tấn nhớ lại những ngày tháng đó, khi ông còn là thanh niên khỏe mạnh: “Nghe đi ra biển đảo là khoái lắm, hăm hở lên đường khi có lệnh”. Sau 6 tháng ngoài đảo chìm, đến lúc vào đất liền mọi người dường như bỏ cuộc vì gian nan quá.
Ông kể số lương thực mang đi hạn hẹp, chủ yếu là gạo và thịt hộp. Sau khi bị tàu Trung Quốc ngăn không cho vào đất liền, lương thực cạn kiệt chỉ còn lại hai thứ ấy.
Cả đội đành phải lấy mìn nổ để bắt cá ăn cho đỡ ngán. Thiếu rau xanh, nhiều chiến sĩ bị phù khắp cả người, bắp tay to hơn cả bắp vế. Khi tiêm một mũi vitamin vào là cả người teo lại chỉ còn da bọc xương. Mọi sinh hoạt, như tắm rửa, phải sử dụng nước biển nên da ai cũng đen sạm. Tóc thì vàng hoe mà cứng ngắc như lông đuôi bò.
Sau 6 tháng đó, nhờ có tàu dân sự và một tàu chở nhiên liệu ra, các chiến sĩ được đưa về đất liền an dưỡng để chuẩn bị cho chuyến ra đảo sau. Khi về tới đất liền, ai nấy đều ngất xỉu, ông Tấn đã dìu từng người vào bờ và cuối cùng ông là người đuối sức, lả đi vì chưa quen hơi đất liền.
Các chiến sĩ được bố trí an dưỡng tại Bệnh viện 175 ở TP Nha Trang. Riêng ông Tấn xin bác sĩ cho về thăm nhà ít hôm và hứa nhất định sẽ quay trở lại. Ông kể lúc về cũng không có một xu dính túi nên phải leo lên tàu xin đi nhờ, đến lúc tới ga thì nhảy xuống vì không có vé. Mẹ ông, sau 6 tháng ngóng tin, khi thấy con trai trở về thì sững lại, bật khóc.
Ở với gia đình 5 ngày, ông Tấn lại ra đi, chuyến đi 3 tháng sau cũng là lần ông biết tin đồng đội ngã xuống. Ngay sau khi nghe tin tàu HQ 604 bị tàu Trung Quốc bắn và 64 đồng đội hy sinh, ông Tấn đề nghị đại đội trưởng cho anh em nghỉ một ngày để tang.
Bà Lê Thị Muộn mân mê kỷ vật của con trai trên chiếc gối đầu
Mấy chục chiến sĩ ngồi trên tàu lặng im nghe đọc danh sách 74 chiến sĩ bị mất tích. Mỗi lần nghe đọc tên đồng đội của mình là các chiến sĩ rớm nước mắt, nắm chặt bàn tay.
Nghe kể đến đó, tôi thấy mắt ông Tấn đỏ hoe. Có lẽ cái ngày định mệnh ấy với ông vẫn không thể xóa nhòa được khi có hơn 7 chiến sĩ cùng quê hương với ông, thậm chí nhà sát vách, đã hy sinh.
Một năm sau, ông cũng rời quân trường và trở về Đà Nẵng. Cho đến bây giờ, trải qua nhiều công việc khá vất vả, ông dành dụm và mở một cơ sở sửa xe máy. Chất lính năm nào vẫn còn vẹn nguyên khi tôi đến mà ông chủ vẫn hì hụi, đôi bàn tay đen nhẻm với những chiếc xe máy hỏng.
Ông Tấn dự định vào ngày 22-12 mỗi năm sẽ tổ chức một buổi gặp mặt với các chiến sĩ cùng đi Trường Sa năm ấy tại Đà Nẵng để có dịp ôn lại những kỷ niệm hào hùng. Đó cũng là dịp để ông cùng những đồng đội của mình tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại ở Trường Sa vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Con đi luôn nghe mẹ”
Bà Lê Thị Lan xúc động nhớ lại câu nói ngày ra đi của anh Nguyễn Hữu Lộc, con trai trưởng của bà. Mang ba lô đi, Lộc bảo: “Con đi lần này là đi luôn đó nghe mẹ!”.
Biết ý con là đi lâu nhưng trong linh cảm người mẹ vẫn bất an. Gia đình bà Lan ngày ấy rất nghèo, có tổng cộng 10 người con, khi bà mang thai đứa con gái út thì chồng mất.
Lúc sinh bé út, bà quẫn trí muốn mang con cho người ta nuôi vì khổ quá. Chính Lộc đã bảo: “Mẹ đừng mang em cho người ta tội nghiệp, cứ để đó con lo hết cho”.
Lộc năm ấy mới chỉ 15 tuổi đã phải một buổi đi học, một buổi đi bán kem. Mà cũng chẳng phải bán lấy tiền, Lộc mang kem đến tận các huyện miền núi Hiên, Giằng (nay là Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) để đổi đồng nát.
Mỗi lúc đi là bám theo xe khách, vất vả đến vậy để kiếm vài đồng lo cho mẹ và các em. Lúc bà Lan sinh con gái út vào mùa mưa, Lộc đã cắn răng chịu rét, bươn xuống ao cạnh nhà để bắt cá về nấu cho mẹ ăn.
“Nghĩ lại tôi thấy thương con đến nát cả lòng. Thằng nhỏ số khổ quá, hết lo cho mẹ và em là lên đường nhập ngũ” - bà Lan bồi hồi. Lúc ra đi, Lộc ngậm ngùi và lo lắm nhưng bà Lan động viên: “Hãy cứ đi, mẹ ở nhà sẽ chu toàn mọi việc”.
Ngày biết con mất, bà Lan không tin đó là sự thật. Mãi đến khi nhận được giấy báo tử, bà mới nấc nghẹn, thương cho đứa con trai hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ.
Cho đến giờ, khi đã ở tuổi 69, bà Lan vẫn phải lao động để nuôi thân bởi con cái hầu hết đều khó khăn.
Khi chúng tôi tìm đến, bà Lan đang làm thuê cho một nhà hàng trên đường 30 Tháng 4. Mỗi sáng bà phải đạp xe gần 10 km để đến chỗ làm và cho tới tối mịt mới về nhà.
Người mẹ liệt sĩ ấy mang căn bệnh tiểu đường hơn 7 năm nay vẫn đang hằng ngày vất vả làm công việc phục vụ ở nhà hàng để mưu sinh. |
Bình luận (0)