Cứ chiều chiều, ông Nguyễn Văn Linh (44 tuổi; quê tỉnh Bình Thuận, hiện ngụ tại quận Bình Tân, TP HCM) lại lao đến các điểm kẹt xe ở trung tâm TP đứng hỗ trợ lực lượng CSGT điều tiết, phân làn giao thông. Ông Linh đã làm công việc này suốt 11 năm nay và chưa có ý định “nghỉ hưu”.
“Hiệp sĩ” giao thông
Nhiều người đi đường đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông da đen sạm đứng ở các giao lộ như Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng (quận 1), Kinh Dương Vương - Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)…, tay cầm cây gậy để hướng dẫn các phương tiện lưu thông, bất kể trời nắng hay mưa.
Ông Linh cho biết từ năm 2000, khi còn làm nghề chạy xe ôm, ông thường chứng kiến giao thông nhiều nơi ùn tắc. Vì thế, đến năm 2005, ông nảy ra ý định góp phần điều tiết, mở đường cho xe chạy. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm công việc “vác tù và hàng tổng” này, ông bị nhiều người, thậm chí ngay cả vợ, phàn nàn rằng lo chuyện bao đồng.
“Thu nhập không có để lo cho gia đình, trong khi tui lại tốn tiền xăng, công sức đi lại. Thêm nữa là dang nắng, dầm mưa hoài khiến nhiều lần tui đau ốm. Vì thế, vợ càng lo và không bằng lòng cho tui đi. Tui thuyết phục dần dần và sau khi hiểu được mục đích của chồng nên bà ấy ủng hộ cho tới giờ” - ông Linh kể.
Ông Linh không thể quên những chuyện dở khóc dở cười khi làm “hiệp sĩ” giao thông. Chẳng hạn, có lần, khi đang đứng điều tiết giao thông thì ông bị lực lượng công an mời về trụ sở làm việc với lý do “không đúng chức năng, không có nhiệm vụ”.
Điều mà ông Linh từng thấy khó xử nhất là khi ông đứng phân làn đường, nhiều người chạy xe qua lại tỏ vẻ khó chịu, không nghe theo sự điều tiết do cho rằng ông không phải người của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau này, khi đã “nhẵn” mặt ông ở các giao lộ kẹt xe và nhận thấy công việc của ông thực sự hữu ích, họ dần tuân theo hướng dẫn. Từ đó, nhiều lần ông nhận được các cuộc gọi thông báo kẹt xe và nhờ đến giúp đỡ.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm tháng “vác tù và hàng tổng”, ông Linh cho biết vào năm 2011, một hôm nút giao Quốc lộ 1 - Hồ Học Lãm bị ngập nước và mặt đường xuất hiện nhiều hố sâu. Do nhiều người chạy xe qua không nhận biết được những hố này nên ông đã lao đến, dầm mình trong trời mưa đứng điều tiết nhằm tránh để các phương tiện sụp hố.
“Lúc đó, nước ngập đến gần ngực chỗ tui đang đứng. Bất ngờ, một chiếc xe tải ầm ầm lao tới. Tài xế dường như không thấy có người nên vẫn phóng nhanh và may mắn, nhiều người tri hô nên chiếc xe mới vội tránh và tui thoát chết. Giờ nghĩ lại vẫn còn rất sợ nhưng tui vẫn không có ý định bỏ công việc này vì đó là niềm vui, lại có thể giúp ích cho xã hội” - ông Linh bày tỏ.
“Ông Tây” trên xa lộ
Những người thường qua lại giao lộ xa lộ Hà Nội - Võ Trường Toản (quận 2, TP HCM) cũng dần quen với hình ảnh một “ông Tây” đứng điều tiết giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Đó ông Philip Rogers, người Úc.
Ông Philip Rogers hiện là hiệu trưởng khối cấp 2-3 một trường quốc tế ở quận 2. Do chứng kiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở giao lộ nêu trên nên từ nhiều tháng nay, ông đã chủ động ra điều tiết, phân làn đường.
Lúc đầu, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy một “ông Tây” thường dùng còi, liên tục đứng thổi tại nút giao thông để hướng dẫn các phương tiện qua lại. Dần dần, người ta quen mặt và mến phục ông Philip Rogers khi hằng ngày chứng kiến ông gỡ rối ùn tắc giao thông tại khu vực này.
“Cứ vào giờ cao điểm, tôi lại thấy ông Tây ra giữa đường điều tiết, hỗ trợ lực lượng chức năng hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua lại. Việc làm ấy rất ý nghĩa, nhờ có ông mà tình trạng ùn ứ ở giao lộ Võ Trường Toản - xa lộ Hà Nội vào giờ cao điểm giảm hẳn” - chị Nguyễn Thùy Linh, người thường xuyên chở con đi học qua khu vực này, cảm kích.
10 năm giúp người khuyết tật
Nhiều người hẳn chẳng lạ gì ông Phạm Văn Lương (51 tuổi; quê tỉnh Quảng Ninh; hiện ngụ tại quận 3, TP HCM) khi mỗi ngày, người đàn ông đen nhẻm này đều ngồi ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (quận 1) vá xe miễn phí cho người khuyết tật.
Cuộc đời ông Lương vốn lận đận, bôn ba từ Bắc vào Nam lập nghiệp nhưng mãi vẫn chẳng khá giả. Thế nhưng, với tâm niệm bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người nên ông luôn tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Việc làm thiết thực nhất là gần 10 năm nay, người đàn ông này luôn niềm nở sửa xe không công cho người khuyết tật, cơ nhỡ.
“Khoảng 10 năm trước, có lần tôi gặp một người khuyết tật không tiền đến chắp tay nhờ vá xe giúp vì đi đến đâu cũng bị từ chối. Lúc ấy, tôi chỉ đinh ninh là mình cần làm gì đó để giúp họ. Thế rồi, tôi quyết định làm một tấm bảng ghi rõ vá xe miễn phí cho người khuyết tật, để ít nhất họ còn tìm được một nơi luôn sẵn sàng giúp mình khi lỡ đường mà không tiền” - ông Lương thổ lộ.
Từ đó, tấm bảng với dòng chữ “Người khuyết tật (được) bơm vá (xe) miễn phí” ra đời. Dù ghi vậy nhưng không chỉ với người khuyết tật mà cả những người nghèo, học sinh, sinh viên khó khăn…, ông Lương cũng luôn vui vẻ bơm vá xe, sửa chữa không công khi họ tìm đến.
Ông Lương kể nhiều hôm vào đêm khuya, nhiều người lỡ đường không mang theo tiền nhưng xe bị hư, ông cũng vui vẻ sửa cho họ rồi tiền công, phụ tùng thay thế có thể trả sau. Khi hay tin có người gặp tai nạn, ông cũng lập tức chạy xe tới giúp đỡ. Trong xe ông luôn có các dụng cụ y tế dùng để sơ cứu người bị thương.
“Nhiều người nói tôi “khùng” vì chẳng khá hơn ai mà còn làm chuyện “bao đồng”. Thế nhưng, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có nhiều người cần mình giúp và nếu giúp được gì, chắc chắn tôi sẽ làm. Thành quả tôi có được nhiều lắm chứ, đó là niềm vui, là nụ cười, là những cái bắt tay chân thành. Bấy nhiêu đó là đủ rồi...” - ông cười hóm hỉnh.
Nói về chuyện gia đình, ông Lương chùng giọng, không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại cảnh vợ bỏ đi, để lại 2 con thơ. Lâm cảnh “gà trống nuôi con” quá khó khăn, ông đành gửi con cho một người chị ở Đồng Nai phụ nuôi. Ông ở Sài Gòn cố gắng làm nghề sửa xe dành tiền cho con ăn học. “Cuộc đời đã không phụ tôi khi 2 con đều học giỏi. Mong ước của tôi là luôn có sức khỏe để làm kiếm tiền nuôi con ăn học thành tài, để đời chúng bớt khổ và còn có thể giúp ích được cho xã hội” - ông tâm sự.
Rất cần chung tay góp sức
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng giao thông ở TP đang rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là những tấm gương như ông Nguyễn Văn Linh khi có tinh thần tự nguyện giúp các ngành chức năng chống ùn tắc, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
“Tình trạng kẹt xe đang diễn ra ở hầu hết các đô thị lớn, trong đó có TP HCM, nên rất cần sự chung tay góp sức của người dân” - ông Cường nhìn nhận.
Ngăn kẻ xấu gây họa
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Phong (41 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM), những người chạy xe ôm, xe thồ xung quanh khu vực ngã tư Ga, quận 12 đều bày tỏ sự nể trọng. Lâu nay, ông thường xuyên bỏ công sức để đi hút đinh trên Quốc lộ 1, đoạn qua quận 12, ngăn kẻ xấu gây họa cho người đi đường.
Theo ông Huỳnh Minh Hòa, người chạy xe ôm ở ngã tư Ga, việc làm của ông Phong đã khiến ông và không ít người khác “cảm thấy xấu hổ”. “Hầu hết các loại đinh rải trên đường đều có hình tam giác rất sắc, xe máy cán phải rất dễ ngã do bị xịt lốp cực nhanh. Ai cũng biết điều đó nhưng đâu phải ai cũng có thể vì người mà bỏ công sức như anh Phong” - ông Hòa cảm phục.
Bình luận (0)