xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rà soát toàn bộ ống xả thải ra biển

THÙY DƯƠNG - TRẦN THƯỜNG - HOÀNG PHÚC - QUANG NHẬT - NGỌC DUNG

Cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như sớm kết luận đường ống xả thải của Formosa có gây ô nhiễm hay không

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp với các địa phương bị ảnh hưởng do thủy - hải sản chết bất thường. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan.


Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế tiêu hủy cá nuôi bị chết bất thường hôm 3-5 Ảnh: QUANG NHẬT

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế tiêu hủy cá nuôi bị chết bất thường hôm 3-5 Ảnh: QUANG NHẬT

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của Nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TN-MT Hà Tĩnh để kiểm tra, lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy. Trước đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo Formosa phải đưa đường ống xả thải ngầm lên để thuận tiện theo dõi, giám sát.

Theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cấp cho Formosa do Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai ký, Formosa được xả thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000 m3/ngày đêm của Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh vào nguồn nước. Nguồn tiếp nhận nước thải là biển ven bờ vịnh Sơn Dương, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Chế độ nước xả thải liên tục 24 giờ/ngày đêm. Thông số và giới hạn nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải không vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 52:2013/BTNMT.

Giấy phép cũng yêu cầu thu gom, vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng thiết kế, quy trình nêu trong hồ sơ, bảo đảm các thông số chất lượng nước thải luôn đạt quy định của giấy phép này trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận. Đáng lưu ý, nội dung giấy phép không nhắc tới việc Formosa phải xây dựng hệ thống xả thải như thế nào, lắp đặt ngầm hay phải đi ống nổi.

Về việc này, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, người tham gia soạn thảo quy chế quản lý các khu công nghiệp của Bộ TN-MT - cho rằng quy định pháp luật yêu cầu trước khi xả thải, hệ thống ống xả phải đáp ứng yêu cầu về kiểm tra đo lường. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu thì việc xả ngầm hay nổi không phải vấn đề. Nhưng cơ bản trước khi xả nước thải vào hệ thống ống ngầm thì phải có kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước thải. Yêu cầu chung là đường ống phải rất dễ kiểm tra.

Theo chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề, việc cấp phép cho Formosa được xả thải ra biển mà không kiểm soát chặt cũng như không sớm có ý kiến kịp thời về việc đặt đường ống xả thải ngầm ra biển có thể gây nên tình huống “tình ngay, lý gian” cho chính công ty này; đồng thời, sẽ đưa các cơ quan quản lý nhà nước vào thế khó trong việc kiểm tra, kiểm soát, dẫn đến những tiêu cực hoặc sai phạm không đáng có.

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại hệ thống đo lường tự động của Formosa không được kết nối với Bộ TN-MT bởi đây là công ty có lượng xả thải lớn, nếu chỉ giao cho sở TN-MT địa phương thì không thể kiểm soát được chính xác.

“Giả dụ một số nhà máy trong khu vực tỉnh Hà Tĩnh như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Formosa… không xả chất độc ra môi trường biển mà chỉ xả thải các chất thông thường trong phạm vi cho phép và số lượng hơi lớn thì vẫn gây tổn hại môi trường. Cần xem xét lại để có những quy định chặt hơn. Thậm chí, có thể nghiên cứu đề xuất bộ quy chuẩn Việt Nam mới, cập nhật theo những diễn biến mới nhất phát sinh trên thực tế. Cụ thể, có thể kiểm soát chặt hơn nồng độ amoniac, sắt, crôm, nitrat…” - một chuyên gia góp ý.

Ngoài Formosa, tại Hà Tĩnh còn có các nhà máy công nghiệp nặng khác. Giới chuyên gia ngành nhiệt điện cho rằng dù chưa có kết luận chính thức nhưng nhiệt điện có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường. Khi xả ra môi trường nước làm mát, một số nhà máy nhiệt điện có thể chưa lưu tâm đến việc thu hồi váng bột là xác vi sinh vật đã chết cùng một số tạp chất khác trong khói thải, gây khả năng tái ô nhiễm hữu cơ.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên kiểm tra độc lập, toàn diện tất cả nguồn xả thải trong khu vực. “Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, giờ cần nhất là khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo, làm rõ nguyên nhân gây thảm họa cá chết. Lưu ý, phải rà soát cũng như nêu quy định, nguyên tắc chung, cụ thể cho tất cả nhà máy xả thải ra biển cần đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào, lắp đặt đường ống ra sao để thuận lợi cho kiểm tra, kiểm soát. Nếu vi phạm phải kiên quyết xử phạt" - PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển, nêu quan điểm.

Theo ông Hồi, hiện nay, cần ưu tiên tìm ra chất gây ô nhiễm và nguồn thải, sau đó công bố chính thức để người dân không hoang mang. Còn việc quy trách nhiệm của cá nhân, tập thể dẫn đến tình trạng này, trong đó có trách nhiệm về việc cho phép Formosa xả thải nếu như việc đó là sai luật... thì có thể làm sau, khi đã ổn định được tình hình trước mắt.

Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 3-5 đã thu gom 1,1 tấn cá nuôi chết của 23 hộ dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đưa đi tiêu hủy. Phía bờ Bắc cửa Thuận An của xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, nhiều loài cá biển trong trạng thái lờ đờ, dạt vào bờ khá nhiều.

Hải sản sạch “cháy” hàng

Chiều 3-5, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cho biết cả 4 tấn hải sản sạch được TP Đà Nẵng đưa về 50 điểm bán đã được tiêu thụ hết trong buổi sáng. Hiện số lượng tiểu thương đăng ký nhận hải sản sạch để bán trong ngày 4-5 đã tăng gấp 3 lần so với trước đó.

Tại tỉnh Quảng Bình, UBND TP Đồng Hới cũng phối hợp với các sở, ban, ngành cùng một số doanh nghiệp vừa khai trương 3 điểm bán hải sản đánh bắt xa bờ an toàn tại các chợ Đồng Hới, Công Đoàn và Bắc Lý. Trong 2 ngày qua, Quảng Bình đã tiêu thụ được hơn 160 tấn thủy sản, hải sản tươi sống cho ngư dân.

Theo Bộ Y tế, các chuyên gia của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đang tiếp tục lấy các mẫu thủy - hải sản, rau tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, cảng cá, nhà hàng… ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế để kiểm nghiệm, phân tích hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học cyanide trong hải sản.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo