Lực lượng thu gom rác dân lập (gọi tắt là rác dân lập) chính là hình thức xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải của TPHCM. Theo nhận định của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), đây là lực lượng không thể thiếu trong lĩnh vực xử lý môi trường của TP, nhất là trong tình hình lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh.
Lực lượng phức tạp
Rác dân lập xuất phát từ những người làm ở điểm thu gom rác trước đây của TP như khu Sở Thùng, các bô rác ở ngoại thành, qua kết hôn các thế hệ trong gia đình truyền nhau và mở rộng lĩnh vực, lực lượng rác dân lập bản địa chiếm 35%. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam, hiện lực lượng rác dân lập chủ yếu là dân nhập cư từ các tỉnh đổ về, chiếm 65%. Hầu hết trình độ học vấn thấp: 29,4% chưa tốt nghiệp cấp 1, 37% mới tốt nghiệp cấp 1, 24,7% mới tốt nghiệp cấp 2. Chỗ ở lại không ổn định (56% ở nhà thuê) nên rất khó quản lý, liên lạc khi cần thiết.
Công - tư giành địa bàn
Theo khảo sát của ENDA Việt Nam, về nhân sự, có đến 83,6% cán bộ quản lý rác dân lập làm công tác kiêm nhiệm, chỉ có 16,4% là chuyên trách. Đã vậy, nhân sự quản lý rác dân lập thường không ổn định khiến công tác quản lý bị gián đoạn, kém hiệu quả. Về vấn đề điều hành, 69% số cán bộ cấp phường khảo sát có tổ chức họp hằng tháng với người thu gom rác. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa UBND phường, xã với người thu gom rác dân lập chưa chặt chẽ, thậm chí một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý lực lượng thu gom rác.
Nên thành lập các tổ hợp tác ENDA Việt Nam cho rằng chính quyền địa phương chỉ nên giám sát, không nên trực tiếp ký hợp đồng với các chủ nguồn thải. UBND phường, xã phối hợp với tổ dân phố và lực lượng thu gom rác rà soát danh sách các hộ gia đình đã đóng tiền rác, phát hiện các hộ chưa đóng tiền, gửi thông báo yêu cầu chấp hành việc ký hợp đồng và đóng tiền rác theo quy định. Mặt khác, chính quyền địa phương và đại diện khu phố, tổ dân phố giám sát về vệ sinh môi trường trong hoạt động thu gom rác, thông báo đến các cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm để xử lý theo pháp luật. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp nguồn thải, UBND phường, xã phải mạnh dạn giải quyết. Bên cạnh đó, TPHCM cần giảm đầu mối thu gom rác bằng cách thành lập các tổ hợp tác thu gom rác. Bởi so với mô hình HTX mà TP đang thí điểm, mô hình tổ hợp tác có điều kiện thành lập đơn giản hơn về thủ tục, không góp vốn điều lệ, tổ chức hoạt động đơn giản, quy mô nhỏ… Việc thành lập các tổ hợp tác thu gom rác cũng tạo điều kiện để rác dân lập tiếp cận các chế độ an sinh xã hội tốt hơn. |
Bình luận (0)