Trong báo cáo về việc đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn và phương án sử dụng tiền thu từ tái cơ cấu DNNN gửi đến đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính khẳng định đã thực hiện CPH DNNN hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ tài sản của nhà nước.
5 lĩnh vực thoái 23.325 tỉ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thực hiện thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường đối với các khoản vốn đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính của DN là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu DN và cần được hoàn thành trước ngày 31-12-2015.
Đáng chú ý về kết quả thoái vốn, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 21 của Quốc hội năm 2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái vốn là 23.325 tỉ đồng. Tính riêng năm 2014, đã thoái vốn 4.184 tỉ đồng, thu về 4.292 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Dũng, số tiền đầu tư thêm vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của DNNN là 1.401 tỉ đồng. Trong tổng số dư 22.362 tỉ đồng tại thời điểm 31-12-2014, đến quý I/2015 đã thoái được 2.807 tỉ đồng, thu 3.206 tỉ đồng. Số còn lại phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỉ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích giá trị các khoản đầu tư tăng thêm trong giai đoạn 2011-2015 chủ yếu là do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, DN hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra bên ngoài tương ứng với số tiền cổ tức được chia.
Tiến độ cổ phần hóa còn chậm
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, theo tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu 108 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tính đến hết quý I/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương phê duyệt đề án tái cơ cấu của tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Cụ thể về sắp xếp, CPH DNNN, tính đến hết quý I/2015, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 DN, trong đó CPH 4.237 DNNN. Giai đoạn 2011-2013, sắp xếp 180 DN, trong đó CPH 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Giai đoạn 2014-2015, theo kế hoạch sắp xếp đã được duyệt, cả nước thực hiện CPH 432 DN. Kết quả trong năm 2014, có 167 DN được sắp xếp, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó, CPH 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013. Trong quý I/2015, cả nước CPH 29 DN, gồm 3 tổng công ty nhà nước và 26 DN.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện tái cơ cấu, CPH DNNN và thoái vốn, Bộ Tài chính cho rằng về cơ bản, thời gian qua, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN thực hiện đúng hướng đề ra. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN vẫn còn một số hạn chế như tiến độ CPH DNNN có thời điểm còn chậm, như giai đoạn 2011-2012 chỉ CPH được 25 DN; một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu…
Một trong những nguyên nhân của các hạn chế nói trên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, là do một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và DN chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị…
Đề cập các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh sẽ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành CPH 289 DN trong năm 2015 và thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả.
Bình luận (0)