Cuộc họp báo đề cập những diễn biến tại biển Đông hơn một tháng sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàn bạo, phi nhân
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn, có hành động đe dọa dùng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Trung Quốc cũng đưa ra những luận điệu sai trái về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc làm này là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bỏ qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như kiến nghị chính đáng của dư luận quốc tế. Trong hơn một tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan. Đỉnh điểm là ngày 27-5 di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, cách Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý và vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 57 hải lý.
Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết Trung Quốc đã sử dụng đến 140 tàu các loại để bao vây, uy hiếp tàu chấp pháp của Việt Nam. Không chỉ tàu hải cảnh, hải giám, Trung Quốc còn đưa cả 6 loại tàu chiến hiện đại, sử dụng máy bay tuần thám bảo vệ cho các tham vọng ngông cuồng của họ.
Theo ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tàu Trung Quốc luôn chủ động tấn công, đâm chìm, cản trở và uy hiếp tàu cá Việt Nam một cách tàn bạo, ảnh hưởng đến sinh mạng của ngư dân. Ông Lê công bố đoạn băng video dài 3 phút quay cận cảnh vụ tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc điên cuồng đâm chìm ngày 26-5 nhưng tàu Trung Quốc không có hành động cứu vớt 10 ngư dân Việt Nam đã bị rơi xuống biển. “Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Đã có 12 tàu cá của Việt Nam bị các tàu chấp pháp của Trung Quốc phá hoại tài sản, xâm phạm thô bạo” - ông Lê nói.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, cho biết phía Việt Nam đã đối thoại ở nhiều cấp khác nhau, hai bên đã có trên 30 cuộc trao đổi với nhiều hình thức, trong đó có cả sử dụng đường dây nóng. Lực lượng tàu chấp pháp của Việt Nam đã thực hiện tuyên truyền, phát thanh bằng 3 thứ tiếng Anh, Việt, Trung. Việt Nam không sử dụng biện pháp nào khác trên hiện trường.“Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục có mặt trên biển để khẳng định chủ quyền của Việt Nam” - đại tá Ngô Ngọc Thu nêu rõ và nói thêm rằng Việt Nam đã hai lần gửi công hàm tới Trung Quốc, yêu cầu rút giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi vùng biển của Việt Nam để hai bên đàm phán, xác định pháp lý của khu vực giàn khoan song Trung Quốc lẩn tránh.
Cộng đồng quốc tế lên án
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò của Mỹ trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển Đông, ông Lê Hải Bình nêu rõ thời gian qua, Mỹ có tiếng nói nhằm đóng góp cho hòa bình, giải quyết căng thẳng. Việt Nam mong Mỹ tiếp tục góp tiếng nói vào việc giải quyết tranh chấp khu vực thông qua luật pháp quốc tế.
Theo ông Trần Duy Hải, lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ về tình hình biển Đông, đóng vai trò quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định, ngăn chặn hành động leo thang mới của Trung Quốc. Thế giới đều thấy rõ hành động sai trái của Trung Quốc, không có hình ảnh nào cho thấy tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc mà chỉ ngược lại. Ông Hải cũng cho rằng vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam mang ý nghĩa “dân sự” nên cần phải chọn giải pháp tối ưu, phía ta có thể khởi kiện.
Trung Quốc tăng 2 tàu quân sự
Cục Kiểm ngư cho biết trong ngày 5-6, Trung Quốc vẫn duy trì từ 110-115 tàu các loại, trong đó có tăng 2 tàu quân sự và 1 máy bay trinh sát bay 3 lượt quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đã di chuyển vào gần khu vực giàn khoan hơn những ngày trước và cách tàu kiểm ngư của ta khoảng 8-10 hải lý. Ban đêm, tàu Trung Quốc sử dụng đèn pha rọi thẳng vào tàu kiểm ngư của ta để tấn công bằng cách phun vòi rồng trong phạm vi 10-30 m. Tàu kiểm ngư KN-22 bị tấn công hư hỏng nặng, hai bên sườn móp méo với chiều dài từ 4-5 m.
Sáng cùng ngày, tàu cá QNg 66029 TS gồm 10 lao động của ngư dân Lê Túc (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã cập đảo Lý Sơn sau khi bị Trung Quốc tấn công trong lúc đang khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa. Vụ tấn công làm ngư cụ hư hỏng hoàn toàn và một ngư dân bị thương do cửa kính văng trúng. V.Duẩn - V.Mịnh - Q.Như
Thiếu thiện chí, đường dây nóng cũng mất tác dụng
Trả lời câu hỏi về đường dây nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông Lê Hải Bình nêu rõ: Đường dây nóng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu cả hai bên đều có thiện chí, mong muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việt Nam nỗ lực nhiều cấp, nhiều lần khác nhau để đối thoại với Trung Quốc nhưng nếu thiện chí chỉ đến từ một phía thì đường dây nóng cũng như mọi nỗ lực sẽ không mang lại kết quả.
Bình luận (0)