xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rõ kịch bản ăn chia của Dương Chí Dũng

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết

Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn kêu oan và cho rằng Trần Hải Sơn đã “gắp lửa bỏ tay người”  Dự kiến HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 16-12

Ngày 14-12, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng. Trong phần bào chữa, các luật sư cho rằng chứng cứ điều tra chưa chứng minh được 28 tỉ đồng là tiền tham ô; chưa chứng minh được Dũng và Mai Văn Phúc nhận tiền và đề nghị điều tra lại việc này.

Đề nghị đối chất

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho Mai Văn Phúc, cho rằng VKSND buộc tội các bị cáo tham ô tài sản căn cứ vào lời khai của Trần Hải Sơn và các nhân chứng như Hà, Huyền, Hưng, Long - đều là các em gái và em rể của Sơn - là không khách quan. Ngoài ra, những lời khai này cũng chỉ chứng minh có việc tiền chuyển từ Singapore về, có việc rút tiền, đưa tiền cho anh trai Trần Hải Sơn nhưng quan trọng là thời điểm giao tiền cho Dũng, Phúc thì đều không chứng kiến.
img
Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa ngày 14-12 Ảnh: TTXVN

Luật sư Nguyễn Đình Khỏe, bào chữa cho Trần Hữu Chiều, cũng cho rằng việc chuyển tiền thế nào, rút ra sao, chia thế nào thì bị cáo này không hề hay biết. Kết luận điều tra nêu rõ Chiều không tham gia việc chia tiền. Việc Chiều nhận 340 triệu đồng cũng không có chỉ đạo chia tiền mà do Sơn mang đến, nói đây là ít quà bồi dưỡng, không nói đó là tiền trong số 1,66 triệu USD. Như vậy, tiền này là Sơn cho Chiều, không phải tiền “lại quả” trong thương vụ mua ụ nổi.

Nói về hành vi tham ô của 2 quan chức từng đứng đầu Vinalines, đại diện VKSND lập luận hợp đồng thỏa thuận giữa Công ty AP với Nakhodka, Global Success về việc ăn chia thể hiện rõ kịch bản sắp xếp của các bị cáo. Một phần tiền từ Vinalines (1,66 triệu USD) sau khi đổ ra nước ngoài đã quay ngược về Việt Nam.

Trình bày bổ sung, Dương Chí Dũng cho rằng mình oan khi bị kết tội tham ô và đề nghị làm rõ ai là người của Vinalines thỏa thuận việc này với Dũng. Ngoài ra, kết luận điều tra còn nêu ông Goh (lãnh đạo của AP) thông báo với Sơn rằng Dũng và Phúc thảo luận về việc này. Dũng đề nghị được đối chất với ông Goh.

Bị cáo Phúc cho rằng nhiều lời khai của Sơn về thời điểm, cách thức đưa tiền cho mình thì CQĐT đều có thể kiểm chứng nhưng chưa làm. Luật sư Trần Đình Triển cũng muốn bổ sung chứng cứ để chứng minh không có chuyện Sơn đã chuyển tiền cho Dũng.

Ụ nổi nào phải mớ rau!

Các luật sư của nhóm bị cáo thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) tập trung chứng minh ụ nổi không phải là tàu biển nên không thể áp dụng quy định pháp luật dành cho tàu biển để xử lý.

Luật sư Trần Hồng Phúc, đại diện các luật sư bào chữa cho các bị cáo ở Chi cục Hải quan Vân Phong, cho rằng truy tố các bị cáo này là oan ức vì họ làm đúng chức trách. Theo luật sư này, quá trình diễn biến tại tòa không hề được VKSND ghi nhận vào quan điểm luận tội, gần như không có sự thay đổi nào khác vì không làm đúng tinh thần cải cách tư pháp. Luật sư Phúc cho rằng không có văn bản nào trong lĩnh vực hải quan mà thân chủ mình vi phạm.

Đáp lại vấn đề ụ nổi, đại diện VKSND khẳng định không cần chuyên môn cũng có thể biết tàu biển và ụ nổi là thế nào. Vấn đề nói đến trong vụ án là từ góc độ quản lý nhà nước, cách thức, phương tiện quản lý với tài sản đưa vào nội địa. Ụ nổi được quản lý bằng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, văn bản quy định cao nhất là Luật Hàng hải. Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã có văn bản nêu rõ ụ nổi chưa được xác định nên quản lý theo quy phạm về quản lý tàu biển. Thực tế, hồ sơ pháp lý liên quan đến việc mua ụ nổi này đều ghi rõ “ụ nổi 83M sau đây gọi là tàu”.

Biên bản giám định của đăng kiểm viên lập ngày 8-8-2007 cũng ghi rõ là “biên bản giám định kiểm tra trước khi mua tàu”. Ngoài ra, ụ nổi này có tên trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia. Toàn bộ hồ sơ pháp lý do tổng công ty làm để mua, việc đăng kiểm ụ nổi đều tuân theo Nghị định 49 (hướng dẫn thi hành Luật Hàng hải). “Như vậy, nói ụ nổi không phải tàu biển chẳng lẽ nó là… mớ rau?” - đại diện VKSND nhấn mạnh.

Với nhóm bị cáo ở Chi cục Hải quan Vân Phong, Viện KSND TP Hà Nội phân tích có 3 công chức không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Hải quan không chỉ để tính thuế mà còn làm lính canh, ngăn cản các loại hàng hóa không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc gia xâm nhập Việt Nam.

Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 16-12.

Xin lỗi Đảng và nhân dân

Nói lời sau cùng trước khi tòa bước vào nghị án, Dương Chí Dũng cho rằng bị cáo với cương vị là chủ tịch HĐQT Vinalines có phần trách nhiệm, khuyết điểm. Về tham ô tài sản, Dũng “không biết khoản tiền 1,66 triệu USD, không chỉ đạo ai và cũng không nhận đồng nào từ Sơn đưa” nên mong HĐXX cân nhắc kỹ lưỡng.

“Để xảy ra việc này, bị cáo rất hối hận. Bị cáo thật lòng xin lỗi Đảng, nhà nước, Quốc hội, toàn thể nhân dân và cán bộ ngành hàng hải vì để xảy ra sai phạm này. Tôi không tham lam, không vì cá nhân. Tôi không thanh minh, không đổ cho anh em, sai là sai. Nhưng cần làm sao cho công tâm. Xin HĐXX tránh để oan cho tôi” - Dương Chí Dũng thống thiết.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo