Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa có thư khen đoàn học sinh (HS) tham dự kỳ thi Olympic quốc tế các môn toán học, vật lý và hóa học năm 2017.
Chỉ giỏi luyện "gà nòi"
Người đứng đầu ngành giáo dục rất vui mừng khi nhận được báo cáo kết quả của các đội tuyển HS Việt Nam tham dự Olympic quốc tế toán học, vật lý và hóa học năm 2017 đã đạt được thành tích cao nhất từ trước đến nay.
Sáu HS của đoàn Việt Nam dự Olympic Toán học quốc tế (IMO) 2017 đã lập được kỷ lục với việc giành được 4 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB), 1 huy chương đồng (HCĐ). Đây là thành tích cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế.
Mới nhất, ngày 3-8, đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Tin học quốc tế 2017 mang về 1 HCV và 2 HCĐ. Ba trong số 4 HS tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2017 cũng đoạt giải, trong đó có 1 HCV, 2 HCĐ.
Trước đó, các thành viên của đội tuyển vật lý đã "gặt hái mùa vàng" với 4 HCV, 1 HCĐ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay cả 4 HS tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2017 của đội tuyển Việt Nam đều đoạt giải, trong đó 3 em đoạt HCV và một em đoạt HCB. Đây cũng là kết quả cao nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay.
Nhìn vào kết quả mà các đoàn HS Việt Nam đạt được, rõ ràng chúng ta có quyền kỳ vọng những nhân tố "vàng" này sẽ đem lại những thay đổi cho nền khoa học Việt Nam. Thế nhưng, thực tế, các thành tựu khoa học của Việt Nam lại rất hạn chế.
GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng người Việt có năng lực về trí tuệ, khi làm việc trong môi trường tốt thì năng lực đều được phát huy và trở nên nổi tiếng. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng đánh giá cao nguồn nhân lực Việt Nam. Ở các kỳ thi Olympic quốc tế, HCV, HCB chúng ta đều có. Thành tựu đỉnh cao về toán học, âm nhạc Việt Nam đều góp mặt như Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn...
Lý giải về mâu thuẫn nguồn nhân lực trẻ được đánh giá cao nhưng khoa học Việt Nam chưa thể cất cánh, GS Giang cho rằng chúng ta đang đào tạo một cách "khác người". Chúng ta sớm phát hiện ra năng lực của con em nhờ hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chúng ta đã quá say sưa với thành tích đạt được, chuyển sang luyện thi để lấy huy chương.
"Nói một cách thẳng thắn là chúng ta dồn tâm sức vào rèn luyện gà nòi. Điều này dẫn đến thực tế rất nhiều người học lệch, luyện dạng thức để đi thi đấu. Không phải ai có huy chương cũng trở thành nhà khoa học thành công trong lĩnh vực của họ" - GS Giang nhìn nhận.
Một đi không trở lại
Một nhà khoa học nổi tiếng phân tích thêm một trong những lý do khiến khoa học Việt Nam mãi lẹt đẹt là không thu hút được nhân tài. Các tài năng trẻ phần lớn chọn con đường đi du học ở nước ngoài.
GS Vũ Minh Giang thừa nhận phần lớn các HS đoạt giải Olympic đều chọn đi học ở nước ngoài và ít trở về. Họ tự xin học bổng. Những người có năng lực xuất sắc đều đang nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài chứ không trực tiếp tham gia hoạt động khoa học công nghệ trong nước. Trong số này phải kể đến GS Vũ Kim Tuấn, HCB 1978, GS ở Khoa Toán ĐH West Georgia (Mỹ); GS Đàm Thanh Sơn, HCV năm 1984 khi mới 15 tuổi với số điểm tuyệt đối 42/42, giảng dạy tại Mỹ; GS Nguyễn Tiến Dũng, HCV năm 1985 hiện giảng dạy tại ĐH Toulouse (Pháp)...
Tất nhiên, vẫn có không ít người làm việc tại các viện nghiên cứu và nâng thành tích của viện đó lên rất nhiều như Viện Toán. "Tuy nhiên, một nền khoa học phát triển không chỉ trông chờ vào một số cơ quan, một số bài toán đăng ở các tạp chí quốc tế mà cần sự đồng bộ. Để có thành tựu khoa học thì cần phải có hàng loạt điều kiện chứ không phải chỉ có nhân tố con người" - GS Giang nhìn nhận.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng hoa cho đội tuyển học sinh dự thi Olympic Tin học Quốc tế về nước chiều 5-8 Ảnh: TTXVN
Giải phóng nỗi lo cơm áo, gạo tiền
TS Ngô Đức Mậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phân tích đằng sau những tấm huy chương là câu chuyện khiến nhiều người suy nghĩ. Ở Việt Nam, rất nhiều tài năng, sau khi đi du học thì trở về nước nhưng chưa kịp cống hiến, họ lại chọn cách ra nước ngoài. Môi trường làm việc rõ ràng là một rào cản khiến các tài năng không quay trở về nước làm việc, dù họ rất muốn.
"Chúng ta có thói quen là một người có thể làm được nhiều việc mà chưa có sự phân định rõ ràng trong các vị trí việc làm. Điều khoản và các công việc khác do giám đốc/viện trưởng... giao thể hiện điều này" - TS Mậu băn khoăn.
Thực tế, TS Mậu đã quen biết một tiến sĩ vật lý chuyên về vật liệu nano, sau khi học tại Anh thì về Việt Nam làm việc. Chỉ có điều hài hước là anh được giao quản lý một thiết bị đo quang phổ phục vụ nhu cầu thí nghiệm của sinh viên - công việc chỉ cần đến trình độ của một kỹ thuật viên được hướng dẫn trong khoảng một tuần là đủ. Một thời gian, tiến sĩ vật lý này quay lại Anh và sau đó trở thành tác giả của rất nhiều bài báo quốc tế.
Đó là chưa kể đến chuyện thu nhập. Khi trở về Việt Nam, phần lớn sẽ phải đối diện với chuyện tìm kiếm các nguồn thu nhập phục vụ cuộc sống. Nếu ai quá vật chất, chân trong, chân ngoài sẽ khó bảo đảm hoàn thành tốt công việc chính. Đối với các tài năng khoa học thực thụ thì điều này khó chấp nhận. Tìm đến một môi trường có thể giải phóng những nỗi lo cơm áo, gạo tiền để chuyên tâm cho công việc chuyên môn là điều cần thiết.
GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh điều quan trọng nhất để giữ được người tài là môi trường làm việc phải kích thích được sự sáng tạo, trong khi đó môi trường của ta vẫn còn tình trạng ghen ăn tức ở, níu giữ chân nhau. Chính điều này đã kìm hãm sự phát triển của các nhà khoa học, trở thành rào cản ngăn bước các tài năng trở về nước và tỏa sáng.
PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cũng chia sẻ suy nghĩ này. Ông cho rằng tại nhiều cơ quan hiện nay, môi trường làm việc tồn tại nhiều tiêu cực, giỏi quá thì bị ghen ghét, đố kỵ, hãm hại. Thêm vào đó, hàng loạt hiện tượng tiêu cực trong công tác, bổ nhiệm, tuyển chọn khiến những người có năng lực thật sự nản lòng.
"Chúng ta chưa nhìn thẳng vào tâm lý cào bằng, cạnh tranh ghen tị đã tồn tại khá lâu. Người tài vừa thể hiện đã bị "đập chết ăn thịt", "gạch đá" thì xếp đầy đường, chỉ chờ hở ra câu nào là ném nên người ta hãi, phải "trốn" đi nước ngoài làm việc" - GS Vũ Minh Giang băn khoăn.
Bỏ tư duy thành tích ảo
Muốn phát triển các tài năng trẻ, chúng ta phải thay đổi rất nhiều, trong đó có tư duy giáo dục. Không có người tài cho 100% HS, trong khi chúng ta đang có HS giỏi nhiều hơn HS kém. Đó là thành tích ảo và rất nguy hiểm. Nhân tài trong lĩnh vực khoa học rất hiếm nhưng ta thì đang tạo ra phong trào nghiên cứu khoa học, nhà nhà nghiên cứu khoa học.
Tài năng trẻ lần lượt ra đi, lương cao chỉ là một phần. Vấn đề quan trọng là họ được tạo điều kiện rất tốt để làm việc. Còn ta thì người có năng lực lúc nào cũng bị "soi", họ thiếu môi trường tốt để làm việc.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển
Nuôi giấc mơ du học
Theo phụ huynh một HS từng đoạt HCV Olympic Toán, mục tiêu của gia đình khi con trai ông đoạt HCV là xin học bổng sang Mỹ du học. Một năm trước, khi đoạt "cú đúp" HCV vật lý quốc tế, Đinh Thị Hương Thảo đã bày tỏ ước mơ được đi du học. Và năm nay, ước mơ của Thảo đã thành hiện thực khi em được nhận vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với mức hỗ trợ tài chính 6,3 tỉ đồng trong 4 năm học.
Cũng nuôi giấc mơ du học nhưng Nguyễn Thế Hoàn, người từng giành 2 HCV Olympic Toán học quốc tế (năm 2014 và 2015) gặp không ít trắc trở. Từng nhận được học bổng toàn phần tại một trường đại học lớn ở Singapore nhưng em từ chối để ấp ủ giấc mơ du học Mỹ.
Tốt nghiệp THPT, Hoàn không thi vào đại học ở Việt Nam mà đầu tư thời gian để học tiếng Anh, tham gia hoạt động ngoại khóa với mục tiêu xin học bổng. Tuy nhiên, rào cản về ngoại ngữ đã khiến hồ sơ của Hoàn không được các trường ĐH ở Mỹ chấp nhận. Vượt qua nỗi buồn, Hoàn tìm cho mình được một môi trường khác, đó là Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Em đã giành học bổng toàn phần cho 4 năm học với ngành toán học ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế.
Bình luận (0)