Ngày 22-4, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội đã họp tổng kết quá trình chữa trị và phân tích gien "cụ" rùa hồ Gươm. Ban Chỉ đạo Khẩn cấp bảo vệ rùa hồ Gươm và các nhà khoa học đã thống nhất kết luận: Rùa này là giống cái, tên khoa học Rafetus Vietnamensis, tên Việt Nam là Rùa hồ Gươm.
Theo GS-TSKH Lê Trần Bình, nguyên viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) - người chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu gien “cụ” rùa, kết quả giải mã gien cá thể rùa sống ở hồ Gươm trùng với mẫu gien của các tiêu bản rùa tại đền Ngọc Sơn - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Quảng Phú - Thanh Hóa và Yên Châu - Hòa Bình đã có từ rất lâu đời.
Các mẫu gien này giống nhau tuyệt đối và đứng riêng một nhóm, khác hoàn toàn với các loài rùa trên thế giới.
Rùa hồ Gươm có tên khoa học là Rafetus Vietnamensis
GS Lê Trần Bình khẳng định: “Rùa hồ Gươm là loài rùa mai mềm lớn đặc hữu của Việt Nam và đã được công bố quốc tế từ năm 2003 tại Ngân hàng Gien Thế giới với các cá thể ở Quảng Phú và đền Ngọc Sơn”.
Theo GS Lê Trần Bình, rùa này có tới 16.000 gien. Để chứng minh rùa hồ Gươm là "hàng độc" của Việt Nam, ông Bình và cộng sự phải giải mã hết 16.000 gien này.
Ông Bình cho biết: “Đến thời điểm này, Ngân hàng Gien Thế giới không có bất kỳ gien của loài rùa nào trùng với gien rùa do Việt Nam công bố. Từ năm 2010 Ngân hàng Gien giữ liệu về bò sát The Reptile Database đã công bố kết quả mẫu gien này của Việt Nam với tên khoa học Rafetus Vietnamensis”.
Bên cạnh báo cáo về kết quả giải mã gien, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cũng có báo cáo chi tiết với TP về kết quả chữa trị rùa. Theo đó, hiện sức khỏe “cụ” rùa đã khá hơn rất nhiều, các vết thương đã lành và liền da.
Tại cuộc họp, các chuyên gia điều trị “cụ” rùa cũng cho rằng cần khẩn trương cải tạo môi trường nước hồ Gươm để nhanh chóng để đưa "cụ" trở lại môi trường tự nhiên.
Bình luận (0)