Bộ NN-PTNT vừa có văn bản trả lời Chính phủ về việc chuyển đổi gần 90 ha diện tích đất rừng phòng hộ tại huyện Tuy Phong - Bình Thuận để xây dựng kênh cấp nước cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Toàn “cây bụi, gỗ xấu”
Theo đó, phần diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích thuộc đất rừng phòng hộ nhưng chưa có rừng, chủ yếu là cây bụi, có vài cây gỗ tái sinh, phẩm chất xấu. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cho rằng theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chỉ áp dụng với diện tích có rừng, còn diện tích đất lâm nghiệp nêu trên chỉ thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An từng có văn bản xin Chính phủ chuyển đổi 49,8 ha đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để hoạt động khoáng sản. Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ trường hợp này như sau: khu vực dự kiến chuyển đổi mục đích sản xuất trước đây được quy hoạch là rừng phòng hộ nhưng thực tế chỉ có cây tái sinh mật độ thưa trên núi đá vôi.
Một góc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum). Ảnh: CAO NGUYÊN
Để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ NN-PTNT ủng hộ chủ trương chuyển mục đích sử dụng đối với 49,8 ha nêu trên sang mục đích khác để hoạt động khoáng sản. Nhưng do nguyên tắc, đất rừng phòng hộ khi chuyển sang rừng sản xuất phải phục vụ cho lâm nghiệp. Do đó, bộ đã “tận tình hướng dẫn” tỉnh xin Thủ tướng xem xét, cho phép bổ sung khu vực trên vào khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh.
Không rõ vô tình hay hữu ý nhưng dư luận cho rằng tỉnh Nghệ An thật “may mắn”. Bởi lẽ theo Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội, nếu chuyển đổi từ 50 ha diện tích rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia (VQG)… trở lên phải do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Và nếu phải trình lên Quốc hội, việc chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ có lẽ không suôn sẻ như vậy.
Trường hợp của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh khi UBND tỉnh Kon Tum đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án thủy điện Đăk Mi 1 và Đăk Mi 1A cũng là một ví dụ. Tổng diện tích đề nghị chuyển đổi cho 2 thủy điện này lên đến 64,73 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.
Dù vậy, Bộ NN-PTNT cho biết trạng thái rừng ở khu vực này là rừng phục hồi và xen kẽ rừng tre nứa. Do đó, theo quy định hiện hành và trên cơ sở xem xét hồ sơ dự án, Bộ NN-PTNT xét thấy việc chuyển đổi mục đích để xây dựng 2 thủy điện là đủ căn cứ pháp lý. Đồng thời, việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Kon Tum.
Bị “xẻ thịt” vì… nghèo
Không chỉ các khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn, đến cả VQG, cũng bị “xẻ thịt” vì… nghèo. Đó là khi UBND tỉnh Ninh Thuận xin chuyển đổi đất rừng của VQG Núi Chúa nhằm thực hiện dự án xây dựng tuyến đường du lịch sinh thái Vĩnh Hy - Ninh Chữ. Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ về khu vực này như sau: diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích là 6,3 ha thuộc VQG Núi Chúa, có hiện trạng rừng trên núi đá, đặc điểm loài cây là cây gai, cây bụi, cây thân gỗ thấp. Tuy nhiên, trong hồ sơ đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận, diện tích rừng thuộc phạm vi VQG Núi Chúa cần phải thu hồi để thực hiện tuyến đường nói trên lại lên đến 30,7 ha.
Khu “rừng nghèo” đang gây tranh cãi nhất hiện nay: VQG Cát Tiên (trải qua địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai) và rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Cát Tiên. Nếu xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, VQG Cát Tiên sẽ mất 137 ha và rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Cát Tiên sẽ mất 147 ha. Theo Bộ NN-PTNT, khu vực dự kiến thực hiện dự án chủ yếu là rừng nghèo, kiểu rừng hỗn giao tre nứa nên giá trị đa dạng sinh học không cao.
Chính vì vậy, bộ không ngần ngại ủng hộ việc “cắt” VQG và rừng phòng hộ đầu nguồn làm thủy điện. Tuy nhiên, kiểu rừng nghèo “hỗn giao tre nứa” mà Bộ NN-PTNT đã trình bày với Chính phủ là một trong 5 kiểu rừng đặc trưng của VQG Cát Tiên. Nhờ những kiểu rừng đó mà VQG Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới!
Nếu chất lượng của các khu rừng đặc dụng Việt Nam thực sự “nghèo nàn” đến như thế, Bộ NN-PTNT với vai trò là đơn vị chủ quản được Nhà nước giao phó nhiệm vụ và cung cấp tài chính để giữ gìn, bảo tồn rừng, phải là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên!
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011- 2020. Theo đó, tổng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước cho chính sách này khoảng 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư là 50%. |
Bình luận (0)