Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến mực nước dưới chân rừng U Minh Hạ dường như không còn, gần 40.000 ha rừng tràm như đang nằm trên chảo rang.
Miền Tây như chảo lửa
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, chưa năm nào rừng tràm U Minh Hạ bị đặt trong tình trạng nguy hiểm như năm nay. Gần 40.000 ha rừng đều báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm, cấp V. “Mọi năm, vào mùa này, nhiệt độ ngoài trời thường ở mức 36 độ C thì năm nay lên đến 38 độ C. Càng nguy hiểm hơn khi thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa rào nhẹ, chẳng những không giúp rừng giải nhiệt mà còn rửa trôi lớp phèn trên thực bì dưới chân rừng, đẩy nhanh quá trình khô héo” - ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, lo ngại. Nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi rừng cháy, chính quyền địa phương đã huy động hơn 1.000 người thay nhau trực trên 45 chòi canh lửa 24/24 giờ. Hậu cần chữa cháy cũng đã sẵn sàng với 40 máy bơm nước, 2.000 m ống dẫn...
Dự báo đến cuối tháng 5, khu vực rừng tràm U Minh Hạ mới chuyển sang mùa mưa. Mặc dù ngành chức năng đã có chủ trương đắp đập giữ nước nhưng với tình trạng khô hạn như hiện nay, không còn cách nào khác là “nín thở” chờ mưa. “Các ngành chức năng đã tập trung cảnh giác cao độ, phối hợp tốt trong công tác phòng cháy rừng. Vì vậy, trong nhiều năm liên tiếp và cho đến thời điểm này, chưa để xảy ra bất cứ vụ cháy nào” - ông Hải nói.
Trong khi đó, ở An Giang, chỉ từ đầu mùa khô đến nay đã xảy ra 3 vụ cháy rừng. Trong đó, có 2 vụ người dân vứt tàn thuốc vào rừng và 1 vụ dùng lửa lấy mật ong. Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết mùa khô năm nay diễn biến phức tạp hơn so với nhiều năm trước, nhiệt độ không khí tăng làm nguy cơ cháy rừng tăng cao.
Cùng chung lo ngại này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang đã khoanh vùng trọng điểm cháy với trên 15.000 ha. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại hơn 92 ha.
Miền Trung: Lo nhất là đốt rẫy
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô, Quảng Ngãi luôn nóng nạn cháy rừng. Tỉnh này có 150.000 ha rừng. Tại các khu rừng gần khu dân cư hay đất canh tác của người dân, nguy cơ cháy rất cao do người dân đốt nương rẫy, phát hoang ruộng đồng... Ở TP Đà Nẵng, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp báo động III. Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã yêu cầu các ban, ngành thực hiện các biện pháp phòng, chữa cháy rừng, cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì. Các khu du lịch sinh thái phải giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa.
Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp IV. Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết để phòng cháy rừng, từ đầu năm, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp. “Ngày nào chúng tôi cũng phân công lực lượng trực nhận số liệu khí tượng từ các huyện báo về để cảnh báo cháy sớm cho các địa phương. Tại các vùng nào ở cấp nguy hiểm, chúng tôi cử thêm lực lượng ứng trực, cảnh báo người dân không nên đốt thực bì, đốt nương rẫy vào những ngày nắng nóng” - ông Tuấn nói.
Cháy rừng do xả nước bắt cá
Trưa 5-4, một vụ cháy rừng đã xảy ra ở khu vực giáp ranh Vườn Quốc gia U Minh Thượng, thiêu rụi 30 ha. Qua vụ cháy này, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang thừa nhận công tác phòng chống cháy rừng hiện còn nhiều bất cập; nhất là khi giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý.
Cụ thể trong trường hợp này, sau khi được nhận giao khoán hơn 1.200 ha rừng để khai thác làm du lịch, Công ty CP Du lịch U Minh đã xả nước ra bên ngoài để khai thác cá làm cho mực nước trong các kênh giảm xuống khoảng 1 m so với mặt rừng nên việc chữa cháy không hiệu quả.
Bình luận (0)