Riêng Tiểu khu 543 thuộc địa bàn Tôn K’Long, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, lâm tặc đã chặt hạ tới gần 1.500 cây rừng, số lượng gỗ thiệt hại 430 m3 trên diện tích gần 7 ha.
Phá rừng, không thèm lấy gỗ
Nhận được tin báo của người dân, ngày 26-6, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại Tiểu khu 543 thuộc địa bàn Tôn K’Long. Trước mắt chúng tôi, hàng ngàn cây gỗ rừng không kể lớn nhỏ, đường kính từ 10-80 cm, nằm la liệt trên 2 quả đồi. Con đường mòn độc đạo từ đường lớn rẽ vào Tiểu khu 543 bị các đối tượng lâm tặc bít chặn bởi chính cây rừng để dễ bề tẩu thoát khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi.
Đứng trước cảnh cây rừng bị triệt hạ không thương tiếc, một cán bộ xã Đạ Pal làm việc tại chốt trạm kiểm lâm Tôn K’Long phân trần: "Do đợt đầu tháng 6 vừa qua, nơi đây xảy ra mưa rất lớn, đi lại khó khăn nên có lẽ lực lượng chức năng chủ quan không tuần tra, kiểm soát chặt chẽ".
Trong khi đó, nhiều người dân cho biết tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất làm nông nghiệp nơi đây diễn ra thường xuyên như "cơm bữa". Nhưng lâu nay chỉ dừng lại ở mức độ lẻ tẻ như cưa gỗ làm chòi canh vườn hoặc ken cây lấn chiếm đất nông nghiệp trái phép... chứ không triệt hạ rừng với số lượng lớn như thế này. Nguyên nhân do có tin đồn trục đường cao tốc Long Thành - Đà Lạt sẽ cắt ngang qua đây kèm theo nhiều dự án của các doanh nghiệp đầu tư đan xen nên đã mở rất nhiều đường sá xuyên rừng. Điều đó kéo theo giá đất khu vực này sốt lên hơn bao giờ hết, tình trạng phá rừng diễn ra rầm rộ, công khai.
Lâm tặc triệt hạ hàng ngàn cây gỗ tại Tiểu khu 543 thuộc địa bàn Tôn K’Long,
xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng
Con đường mòn đi sâu vào rừng mùa mưa trơn trượt, chúng tôi hết sức vất vả mới lên được quả đồi thứ 2, khoảnh 8 thuộc Tiểu khu 543. Khi thấy chúng tôi chụp lại cảnh tàn phá rừng khủng khiếp, người dẫn đường dặn dò: "Các anh chụp hình đừng để anh em tụi tôi dính vào, không khéo lâm tặc sẽ gây khó dễ. Ở đây có người bị đánh phải nhập viện vì bị cho rằng đã chỉ điểm cho các nhà báo đến tác nghiệp".
Điều đặc biệt, hàng trăm cây gỗ nằm la liệt nhưng tất cả vẫn còn nguyên vẹn, các lâm tặc để cây chết khô chứ không xẻ thành phách lấy gỗ tuồn đi tiêu thụ như những cánh rừng khác. "Chủ đích của lâm tặc triệt hạ rừng Tiểu khu 543 là để lấy đất sản xuất bởi nơi đây không còn gỗ quý thuộc các nhóm 1, 2, 3... nữa. Nếu lực lượng chức năng không phát hiện, lâu ngày sẽ thành đất trống thì mặc nhiên biến thành đất nông nghiệp và dần dần cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều sẽ mọc lên..." - một cán bộ lâm nghiệp giải thích.
Khó xác định các đối tượng
Rừng thuộc Tiểu khu 543 có tổng diện tích 3.896 ha, nằm giữa 2 xã Đạ Pal và Quảng Trị của huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý.
Ông Nguyễn Bá Khai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh, cho hay Tiểu khu 543 đã giao cho 13 hộ tại thị trấn Đạ Tẻh nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng. Sau khi cơ quan chức năng phát hiện tình trạng phá rừng nghiêm trọng, ban giám đốc đã yêu cầu 9 cá nhân liên quan đến việc bảo vệ phát triển rừng làm văn bản giải trình, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng như chốt bảo vệ rừng Tôn K’Long, lực lượng kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương 2 xã Đạ Pal và Quảng Trị của tỉnh Lâm Đồng khám nghiệm hiện trường để làm rõ vụ việc.
Đại tá Đinh Quang Trung, Trưởng Công an huyện Đạ Tẻh, cũng nhận định đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng nên Công an huyện đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng (PC46), Chi cục Kiểm lâm tỉnh... khám nghiệm hiện trường tại Tiểu khu 543. Kết quả khám nghiệm hiện trường tại 2 khoảnh của 3 quả đồi thuộc Tiểu khu 543 có hơn 1.500 cây gỗ bị đốn hạ, thiệt hại hơn 430 m3 gỗ (nhóm 5 đến nhóm 8) với tổng diện tích gần 7 ha rừng.
Tuy nhiên, sau gần 1 tháng kể từ khi phát hiện tình trạng triệt hạ rừng, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa xác định được danh tính các đối tượng để xử lý theo pháp luật. Trong khi đó, theo người dân địa phương, hằng ngày, trên trục đường nối Tôn K’Long với trung tâm huyện Đạ Tẻh, đi qua các xã Đạ Pal, Triệu Hải, Quảng Trị..., hàng chục lượt xe máy chở gỗ chạy bạt mạng. Đa số các xe máy này cũ kỹ, không biển số để tiện bề vứt xe chạy thoát thân.
Chúng tôi liên hệ nhiều lần với ông Nguyễn Quốc, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị - địa bàn xảy ra vụ tàn phá rừng, thì đều bị từ chối với lý do: "Đang họp HĐND nên rất bận, vụ việc đã được Công an tỉnh vào cuộc điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí". Còn ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho rằng hiện chưa thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ bởi địa bàn xảy ra vụ tàn phá rừng nghiêm trọng là rất phức tạp, cách chốt bảo vệ rừng Tôn K’Long hơn 3 km, giáp ranh giữa 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Bảo Lâm trong khi các đối tượng thực hiện hành vi trong những ngày trời mưa rất lớn, địa hình hiểm trở...
Theo báo cáo của UBND huyện Đạ Tẻh, trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện này đã phát hiện và lập biên bản 53 vụ vi phạm, giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; xử lý 45 vụ, thu nộp ngân sách 607 triệu đồng, tịch thu 20 phương tiện các loại; 7 vụ vi phạm còn lại cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh xử lý.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-6
Kỳ tới: Ngang nhiên bán đất rừng
Không thể kham nổi!
Ông Nguyễn Bá Khai thừa nhận: "Tình trạng phá rừng trái pháp luật chiếm đất sản xuất đang diễn ra tại địa bàn là hết sức phức tạp. Trong khi định suất lao động đối với một nhân viên quản lý bảo vệ rừng phải đảm nhiệm 1.000 ha là quá sức, không thể kham nổi, chưa kể không được phép trang bị những dụng cụ cần thiết nên mỗi khi đối đầu với lâm tặc gặp rất nhiều khó khăn".
Bình luận (0)