Chiều 24-10, ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Xí nghiệp Xe điện Hà Nội (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco), đã ký quyết định sa thải 2 nhân viên Đỗ Hữu Long (tài xế) và Nguyễn Chí Thanh (phụ xe) xe buýt số 34 (tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm) vì có hành vi quát mắng, hành động thiếu tôn trọng, đe dọa hành khách - anh Nguyễn Ngọc Phúc (quê Vĩnh Phúc).
Không thể chấp nhận
Sau khi làm việc với lái xe Long và phụ xe Thanh cùng nhân chứng là bà Phạm Thị Tâm, Xí nghiệp Xe điện Hà Nội xác định 2 nhân viên trực thuộc đã đôi co căng thẳng và có lời nói, hành động thiếu tôn trọng anh Nguyễn Ngọc Phúc. Lãnh đạo Transerco cho rằng sự việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của công ty trong thời gian Transerco đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
“Trong khi Bộ GTVT tìm nhiều giải pháp để tránh ùn tắc giao thông, trong đó có tính tới giải pháp vận động người dân đi xe buýt, Bộ Công an tìm mọi cách để lập trật tự, phối hợp với người dân truy bắt những đối tượng móc túi thì chính nhân viên trong ngành này lại gây ra một sự việc rất phản cảm. Đây thực sự là chuyện không thể chấp nhận được” - Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Xuân Hào nói. Ông Hào đề nghị Transerco ban hành quy định: Trường hợp chạy xe trên đường mà xảy ra bất cứ sự việc nào đối với hành khách, tài sản của hành khách và phương tiện thì tài xế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Cùng ngày 24-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tỏ ra rất phiền lòng về sự việc mà ông cho là rất phản cảm và gây bức xúc này. “Người ta ở nông thôn ra TP, không biết đường lại bắt người ta quỳ, chửi mắng. Thật không thể chấp nhận” - bộ trưởng bức xúc.
Xử lý để răn đe
Tuy nhiên, do cả tài xế và phụ xe đều khẳng định họ mới chính là người bị hành khách chửi mắng khi đi nhầm xe và đòi xuống khi chưa tới bến đỗ nên Thanh tra Sở GTVT sẽ phải làm việc với hành khách Nguyễn Ngọc Phúc và các nhân chứng khác.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hào, sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất nhưng chưa phải là hình thức xử lý cuối cùng trong vụ việc này. “Tôi đã đề nghị phải tịch thu giấy phép tài xế đối với lái xe. Trong trường hợp để xảy ra những trường hợp tương tự như vậy, trong tương lai còn có thể xem xét xử lý người đứng đầu các xí nghiệp xe buýt và Transerco” - ông nói. Ông Nguyễn Xuân Hào đã giao Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tiếp tục điều tra, gặp nạn nhân, nhân chứng và làm việc với Transerco để làm rõ hơn các tình tiết liên quan trong vụ việc này.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần phải xử lý nghiêm minh vụ việc này. Ông cho biết sẽ làm việc với cơ quan công an để nếu đúng là có những hành vi đánh, làm nhục hành khách như phản ánh thì cần phải khởi tố để xử lý nghiêm. “Thấp nhất là đuổi việc, còn đủ các yếu tố cấu thành tội hình sự thì phải khởi tố” - bộ trưởng kiên quyết.
Phụ thuộc vào nhận định của công an Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật An Phát Phạm (Hà Nội), cho biết ở Việt Nam, các vụ khởi tố liên quan đến xúc phạm, làm nhục người khác rất ít. “Pháp luật hiện nay chưa thể xử lý đến chân tơ kẽ tóc các vụ việc như nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nếu tài xế chưa có hành động hành hung, đạp vào người hành khách thì không dễ khởi tố” - ông Phất nói. Luật sư Phất cũng cho rằng xử lý vụ việc thế nào phụ thuộc vào nhận định của cơ quan điều tra. Nếu hành khách cũng có lời lẽ mang tính xúc phạm tài xế rồi dẫn tới hục hặc nhau thì hai bên sẽ chỉ làm thủ tục xin lỗi, hòa giải.
Bình luận (0)