Trong bài “Từ điển tiếng Việt lậu tràn ngập thị trường” (Báo Nông nghiệp Việt Nam, 10-1-2017), ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc NXB Thanh Niên - cho biết: Các cuốn từ điển mắc nhiều sai sót như “Từ điển tiếng Việt thông dụng dành cho học sinh - sinh viên” (Ngọc Hằng - Kỳ Duyên - NXB Thanh Niên, 2016) và “Từ điển tiếng Việt” (Khang Việt, NXB Thanh Niên, 2016, mà trong bài viết “Sai như... từ điển”, Báo Người Lao Động ngày 11-1 đã phản ánh) là “những đầu sách in lậu, giả mạo thương hiệu của NXB Thanh Niên (?!)”.
Đánh lừa độc giả
Qua khảo sát trên thị trường sách, chỉ riêng tại Thanh Hóa, chúng tôi thấy loại sách có nội dung xào xáo, có những cái sai giống nhau (mang tên NXB Thanh Niên ấn hành), chủ yếu là của hai nhóm tác giả:
Nhóm thứ nhất, các tác giả thường thay tên đổi họ dưới các bút danh Kim Danh - Ngọc Hằng; Kim Anh - Ngọc Hằng; Kỳ Duyên - Ngọc Hằng - Đức Bốn; Kỳ Uyên - Đăng Khoa; Kỳ Duyên - Hồng Vân - Đình Chương - Đăng Khoa... có số đầu sách mang tên NXB Thanh Niên ấn hành nhiều nhất. Có cuốn ngoài bìa 1 ghi tác giả là “Kỳ Duyên - Đăng Khoa, Hội Ngôn ngữ học” nhưng bìa trong lại là “Ngọc Hằng - Kỳ Duyên” (!).
Nhóm thứ hai là các tác giả Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm - Minh Nhật hoặc Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm...
Sách của hai “nhóm” này biên soạn phần lớn là loại từ điển “bỏ túi”, khổ nhỏ, như: Từ điển tiếng Việt thông dụng; Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, sinh viên, Từ điển chính tả... nhằm vào nhóm độc giả đông đảo là “học sinh, sinh viên”, giá cả rất vừa túi tiền (từ 30.000 đến 50.000 đồng/cuốn). Ngoài ra, nhóm biên soạn này cũng in sách ở NXB Từ điển Bách khoa, NXB Đồng Nai... với những sai sót giống hệt nhau.
Ngoài bìa sách, các tác giả (gồm cả hai “nhóm”) thường ghi những thông tin gây nhầm lẫn cho người mua, như “Ngôn ngữ Việt Nam”, “Ngôn ngữ học Việt Nam”, “Hội Ngôn ngữ học”, “Trung tâm Từ điển học”...
Các loại từ điển nhiều sai sót, mang tên NXB Thanh Niên này đều được bày bán công khai ở các kênh phát hành sách chính thống như nhà sách Tiền Phong, nhà sách FAHASA, Nhà sách Việt Lý, thuộc địa bàn TP Thanh Hóa. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Khang Việt, NXB Thanh Niên, 2016), bán tại nhà sách Tiền Phong (Thanh Hóa), được giới thiệu trên website của nhà sách Khang Việt (khangvietbook.com.vn). Thay vì thông tin lập lờ “Ngôn ngữ Việt Nam” như ngoài bìa sách, Nhà sách Khang Việt ghi hẳn là “Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (Khoa học - Xã hội - Nhân văn)”. Có thể nói đây là sự mạo danh, đánh lừa độc giả rất trắng trợn và nghiêm trọng.
Cuốn “Từ điển tiếng Việt thông dụng dành cho học sinh - sinh viên” (tác giả Ngọc Hằng - Kỳ Duyên - NXB Thanh Niên, 2016), mạo danh Trung tâm Từ điển học (Vietlex, do GS Hoàng Phê sáng lập), với những cái sai không khác gì sách của Khang Việt, được bán tại nhà sách FAHASA và giới thiệu trên trang website của nhà sách (fahasa.com).
Có thể lấy ví dụ những cái sai mà chúng ta có thể tìm thấy trong tất cả các cuốn sách từ điển khổ nhỏ mang tên NXB Thanh Niên, như: “bói toán: Bói theo phương pháp toán học”; “giao phối (đt): Kết hôn”; “giao cấu: Nói về giống đực giống cái lấy nhau”. Đáng chú ý, những lỗi này và nhiều lỗi nghiêm trọng khác mà chúng tôi từng nêu đã có trong hầu hết từ điển do NXB Thanh Niên ấn hành từ năm 2012 đến nay (do hai “nhóm” tác giả mà chúng tôi nêu, biên soạn). Ví dụ, lỗi giải nghĩa từ “giao phối (đt): kết hôn” đã có trong “Từ điển tiếng Việt” (khổ lớn 14,5 x 20,5 cm) của Kỳ Duyên - Đức Bốn (NXB Thanh Niên, 2013); hay có trong “Từ điển tiếng Việt” (khổ 16 x 24 cm) của Kỳ Duyên - Đinh Chương - Đăng Khoa (NXB Từ điển Bách khoa, 2014) với lời giảng cụ thể hơn: “giao phối (đt c/g): Kết hôn, lấy nhau có cưới hỏi”.
Lỗi “giao cấu: Nói về giống đực giống cái lấy nhau” đều có trong từ điển của nhóm tác giả Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm - Minh Nhật hoặc Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm (NXB Thanh Niên, 2012).
Như vậy, theo chúng tôi, việc NXB Thanh Niên bị các nhà sách hoặc tổ chức, cá nhân nào đó làm sách giả, mạo danh (cụ thể trong từng cuốn sách) như thế nào, cần có điều tra và kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có thể nói những sai sót mà chúng tôi nêu ra đã có trong “Từ điển tiếng Việt” do NXB Thanh Niên, NXB Từ điển Bách khoa ấn hành từ nhiều năm về trước. Lẽ dĩ nhiên, các nhà sách có in lậu hoặc mạo danh NXB Thanh Niên thì họ cũng chỉ là chép lại những cái sai của NXB Thanh Niên mà thôi.
Cóp nhặt + xào xáo = cuốn mới
Các nhóm biên soạn từ điển này còn có một phương pháp chung nữa là xào xáo, cóp nhặt từ nhiều cuốn từ điển khác nhau để biến thành nội dung cuốn từ điển mới. Thông thường, các tác giả sao chép từ ngữ trong các cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản trước năm 1975 ở Sài Gòn. Có khi để giải nghĩa một từ, thì nghĩa 1, tác giả chép của “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển học Vietlex), nghĩa 2 chép của “Tự điển Việt Nam” (Ban Tu thư Khai trí, Sài Gòn, 1971). Có khi một từ phải được giảng 3 nghĩa thông dụng nhưng nhóm tác giả tùy tiện, chỉ chép lấy một nghĩa, khiến nghĩa từ trở nên què cụt.
Ngoài những sai sót nghiêm trọng không thể chấp nhận thì rất nhiều yếu tố Hán Việt, chỉ là yếu tố cấu tạo từ nhưng lại được nhóm biên soạn thu thập và giải nghĩa như một từ, trong khi nó không bao giờ được dùng độc lập. Ví dụ “am (đt): Hiểu biết”; “bộc (dt): Đầy tớ”; “điệp: Dò la”; “điệt (dt): Cháu đối với chú hay bác”... Nếu chiếu theo cách xử lý của hai tác giả Ngọc Hằng và Kỳ Duyên (“Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh - sinh viên”, NXB Thanh Niên, 2016) thì chẳng ai có thể hiểu được nội dung thông báo trong các phát ngôn: “Ông ấy là người am. Nó là bộc. Quân địch đang điệp” hay “Đây là thằng điệt của tôi”. Nhiều cách viết cũ, như: “cọng đồng, cọng sự, cọng tác”…vẫn được thu thập. Nhìn chung, các tác giả không có kiến thức về từ điển học.
Sai phép và ăn hại
Theo quy định mới, từ năm 2015, từ điển là loại ấn phẩm mà ngoài nhà xuất bản, khi xuất bản phải được một cơ quan chuyên môn (thường là của nhà nước) có thẩm quyền thẩm định (như Viện Ngôn ngữ học Việt Nam). Ấy vậy mà các loại từ điển kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, phát hành công khai và chính thức trong hệ thống phát hành sách toàn quốc.
Đặc biệt, các loại từ điển lại thường nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên - những lứa tuổi và cấp học đang trau dồi, học hỏi, hoàn thiện về kỹ năng sử dụng tiếng Việt, do đó gây phương hại càng lớn.
Bình luận (0)