Ngày 6-3, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã nghe lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam báo cáo về việc xử lý vi phạm đối với trường hợp hai kiểm soát viên không lưu đánh nhau trong khi đang điều hành bay.
Sau khi đồng ý với kết quả của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tước giấy phép hành nghề của nhân viên gây gổ, đánh nhau với lãnh đạo và đình chỉ công tác có thời hạn đối với kíp trưởng ca trực.
Hết sao nhãng đến ẩu đả
Sự việc diễn ra vào trưa 17-1, tại Trung tâm Kiểm soát đường dài - Tiếp cận HCM (ACC HCM). Do không tập trung vào công việc, kiểm soát viên Trần Xuân Vinh đã nhắc lại huấn lệnh cho máy bay trùng với huấn lệnh của kíp trực trước.
Phi công thấy có dấu hiệu sai quy trình nên hỏi lại kíp trực vì sao phải nhắc lại huấn lệnh. Lúc này, kíp trưởng Trương Hòa Hiệp đã nhắc nhở Trần Xuân Vinh nhưng nhân viên này phản ứng nên đã tước quyền điều hành bay của Vinh.
Sau đó, Vinh đã gây gổ và nhiều lần xông vào đánh kíp trưởng Trương Hòa Hiệp, làm hỏng con chuột điều khiển máy tính khiến công tác điều hành bay bị ảnh hưởng.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh mật độ máy bay ra vào trên vùng trời thuộc sự quản lý của ACC HCM khá cao, trong đó có một chuyến chuyên cơ.
Trong một thời gian ngắn, một số chuyến bay đã không nhận được tín hiệu chỉ dẫn không lưu do ảnh hưởng của vụ ẩu đả nói trên.
Sơ suất của kiểm soát viên không lưu sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các chuyến bay.
Trong ảnh: Một góc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: TẤN THẠNH
Nghiêm trọng hơn, sự việc này đã bị giấu nhẹm cho đến khi một tờ báo điện tử khai thác được thông tin trên mạng xã hội của một cá nhân tự nhận là người trong ngành.
Và sau khi báo chí vào cuộc, Cục Hàng không Việt Nam mới biết và yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam kiểm tra, báo cáo.
Đáng lưu ý là việc mắc lỗi của nhân viên kiểm soát không lưu trong thời gian gần đây đã không còn là hiện tượng cá biệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay.
Ngày 19-12-2011, đài không lưu ACC-HCM đã ra huấn lệnh cho một chiếc máy bay A320 của Vietnam Airlines vừa cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) đi Cát Bi (Hải Phòng) bay cùng độ cao với một máy bay ngược chiều của Jetstar Pacific đang về sân bay Tân Sơn Nhất vào cùng một thời điểm, dẫn đến nguy cơ hai máy bay có thể đâm nhau.
Trước đó còn xảy ra các vụ cấp huấn lệnh hạ cánh nhầm xuống đường băng đang đóng cửa để tẩy vệt cao su ở cả sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Các sự cố nêu trên đều được cố tình giấu giếm, không báo cáo sự cố cho nhà chức trách hàng không.
Phạt tiền và đình chỉ công tác
Trong những năm gần đây, áp lực đối với các nhân viên kiểm soát viên không lưu rất lớn do mật độ bay tăng cao. Tại đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất, mỗi ngày có khoảng 400 chuyến bay cất - hạ cánh, tại Nội Bài có khoảng 300 chuyến.
Mỗi ngày, một nhân viên không lưu làm việc 8 giờ chia theo ca kíp nhỏ và ở các vị trí khác nhau để tránh căng thẳng và không mất tập trung.
Tuy nhiên, có những thời điểm nhân viên không lưu chịu áp lực rất lớn trong ca trực vì mật độ bay cao và thậm chí phải làm tăng ca. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do trình độ, tác phong và tính kỷ luật của mỗi cá nhân thì trong điều kiện làm việc căng thẳng như vậy, kiểm soát viên không lưu dễ rơi vào tình trạng sao nhãng, mất kiểm soát như đã từng xảy ra.
Nhất là trong thời điểm sáng sớm hay đêm khuya, khi mật độ máy bay đã giảm, nhiều người hay buồn ngủ, sao nhãng và dưới đường băng thường có xe công vụ làm vệ sinh.
Theo một cán bộ quản lý trong ngành hàng không, mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, tạm đình chỉ công tác, tước giấy phép hành nghề… được cho là quá nặng với kiểm soát viên không lưu vi phạm.
Mức phạt này cùng với sức ép công việc lớn có nguy cơ khiến nhân viên bỏ việc trong khi không tuyển được đội ngũ mới do yêu cầu trình độ cao, chế độ đãi ngộ và tiền lương không tương xứng.
An toàn là tối thượng
Lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam từng có lần đề nghị không áp dụng hình thức phạt tiền mà chỉ tước giấy phép hay đình chỉ công tác đối với kiểm soát viên không lưu vi phạm.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm an toàn là tối thượng nên phải có chế tài xử phạt nặng để ngăn ngừa tái diễn vi phạm trong điều hành không lưu. |
Bình luận (0)