Sáng 11-8, tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam và nhiều cơ quan liên quan bàn các giải pháp khắc phục tình trạng quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Quá tải từ trên trời xuống đất
Báo cáo về tình hình hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết công suất khai thác hiện nay của sân bay đã vượt quá quy hoạch 25 triệu lượt hành khách/năm và dự báo năm 2016 sẽ lên tới con số 31 triệu lượt.
Ông Thanh thừa nhận sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải từ trên trời cho đến nhà ga và cả các tuyến đường bộ kết nối xung quanh.
Theo ông Thanh, dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo tăng năng lực điều hành tại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao nên chưa thể giải quyết được tình trạng quá tải hiện nay. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 51 vị trí đỗ tàu bay nhưng trong một số khung giờ, rất nhiều chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất bị kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào do quá tải. Thậm chí, nhiều chuyến bay phải bay vòng, chờ trên bầu trời từ 15 – 60 phút và có thời gian cao điểm lên đến 8-9 chuyến bay phải bay chờ.
“Tình trạng này dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, hiệu quả khai thác của các hãng hàng không thấp và làm tăng khí thải ra môi trường. Trước tình trạng này, từ ngày 15-8, Cục Hàng không Việt Nam phải quyết định giảm còn 38 – 40 chuyến đáp xuống sân bay so với khoảng 42 chuyến như trước trong khung giờ cao điểm” – ông Thanh cho biết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc sáng 11-8
Theo lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ đầu năm 2016, trong đó nhà ga quốc nội hiện quá tải đến hơn nửa công suất khai thác. Hiện chỉ có một lối ra vào sân bay duy nhất nằm trên đường Trường Sơn nhưng tuyến đường này lại thường xuyên bị ùn ứ và ngày càng nghiêm trọng hơn từ kết nối với đường Phạm Văn Đồng. Lý do là khi mở tuyến đường này, các đơn vị đã không lường trước được áp lực giao thông sẽ tăng lên khi kết nối với các trục đường khác ra vào sân bay. Thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy có khoảng 90% lượng xe máy và hơn 50% ô tô lưu thông trên đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay mà chỉ “mượn” đường để đi theo lộ trình từ khu vực quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp qua đường Trường Sơn để qua khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) và ngược lại. Do đó, giải pháp quan trọng trước mắt là phải tổ chức lại giao thông qua khu vực này nhằm hạn chế lượng phương tiện lưu thông trên đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay.
Lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP cũng thừa nhận tình trạng ùn ứ ở các tuyến đường kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất đang có dấu hiệu bùng phát, đặc biệt là trên đường Trường Sơn mà trong đó có nguyên nhân là lượng xe tăng đột biến.
Ông Cường cho biết giải pháp trước mắt, ngoài việc Sở GTVT TP sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phân luồng, tổ chức giao thông trên tuyến đường này thì đến khoảng cuối tháng 8-2016 sẽ hoàn thành xong 2 nhánh ra – vào sân bay là đường Hồng Hà và Bạch Đằng (hiện đang thi công) nên sẽ có chuyển biến trong việc giảm ùn ứ tại khu vực này.
Mở rộng sân đỗ tàu bay
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết đã thống nhất phương án để Bộ GTVT đầu tư mở rộng, khai thác sân đỗ bay quân sự cho hoạt động hàng không dân dụng tại khu đất 21,3 hec-ta ở phía tây Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Hiện Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác phối hợp với Bộ Quốc phòng, thống nhất phương án đề xuất đầu tư hạ tầng, khai thác sân đỗ. Khi khu đất này được quy hoạch làm sân đỗ tàu bay với 30 vị trí đỗ cùng việc mở rộng sân đỗ tàu bay ở phía bắc (khoảng 8 vị trí), sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt khoảng 90- 100 vị trí đỗ, nâng công suất phục vụ cho khoảng 40 triệu lượt hành khách/năm.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ
Về việc kết nối giữa các tuyến đường xung quanh và nhà ga hiện hữu, Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP HCM nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ các dự án giảm ùn tắc như việc xây dựng cầu vượt và mở rộng các tuyến đường, các nút giao thông xung quanh sân bay. Trong đó, Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý chủ trương phương án mở rộng đường Hoàng Minh Giám và mở đường song song với đường Cộng Hòa (từ ngã tư Phan Thúc Duyện qua đất quốc phòng nối với đường Hoàng Hoa Thám vào sân bay).
Ông Lại Xuân Thanh cho biết đến ngày 20-8 sẽ trình các phương án cụ thể lên Bộ Quốc phòng về việc đầu tư và các quy chế chung giữa Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt Bộ GTVT phải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chuyên môn đảm bảo tuyệt đối an toàn các chuyến bay, kể cả dân dụng và quân sự. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp cùng Bộ Quốc phòng phải đưa ra các giải pháp tối ưu trong việc mở rộng, nâng cao năng lực vận tải của sân bay Tân Sơn Nhất và sau đó báo cáo Chính phủ. Đặc biệt, tìm các nhà đầu tư và đầu tư bằng nhiều hình thức để thực hiện tối ưu các biện pháp mở rộng, nâng cấp sân bay. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng cần phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng nghiên cứu nguồn vốn cho việc đầu tư giao thông, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, để giải quyết nhanh nhất những bất cập hiện nay. "Chính tôi sẽ thường xuyên đôn đốc vấn đề này” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)