Do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài nên nông dân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chưa thể xuống giống. Trên đồng, một lượng lúa rơi vãi khá lớn còn sót lại. Đây là môi trường thuận lợi cho chuột đồng sinh trưởng và phát triển mạnh. Anh Phan Văn Xiêm (ngụ ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú) nhận thấy sự phát triển của đàn chuột trên cánh đồng sau nhà, liền quyết định mua 50 cái bẫy chuột sắt, với giá 7.000 đồng/cái. Ban đầu, anh chỉ nghĩ kiếm ít con chuột đồng trong nhà ăn để tiết kiệm chi tiêu lúc khó khăn. Nào ngờ, với 50 chiếc bẫy, mỗi đêm anh thu về khoảng 5 kg chuột đồng. Hiện giá chuột đồng sống trên thị trường từ 50.000-70.000 đồng/kg.
Đặt bẫy chuột giữa cánh đồng khô cháy
Anh Xiêm cho biết: “Bẫy chuột đồng không mấy nặng nề, chỉ có cái chịu khó mỗi đêm đi thăm bẫy 3- 4 lần. Ngoài ra, vốn bỏ ra cũng không nhiều, thức ăn để bẫy chuột cũng chỉ là ít lúa. Thế nhưng, công việc này lại kiếm được đồng ra đồng vào, chứ đồng khô cỏ cháy như bây giờ thì biết làm gì ra tiền”. Cũng theo anh Xiêm, anh dự tính sẽ mua thêm 100 cái bẫy nữa để kiếm thêm thu nhập giữa mùa nắng hạn.
Một con chuột đồng bị dính bẫy
Cùng suy nghĩ với anh Xiêm, anh Trương Văn Út Em (ngụ ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng) chọn cách bắt chuột đồng bằng chĩa. Với dụng cụ chỉ là cây chĩa (làm từ một đoạn trúc, trên đầu được gắn với thanh sắt mài nhọn), mỗi đêm đi đâm chuột đến 2 giờ sáng, anh Út Em cũng kiếm được khoảng 10 kg chuột đồng. Số chuột sau khi bắt, được các thương lái đến mua tận nhà và đem bán lại các nhà hàng, quán nhậu. “Mỗi đêm, tôi cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng từ việc đi chĩa chuột đồng”- anh Út Em nói.
Bình luận (0)