Sau hơn 2 giờ chui qua các lùm cây, bị gai rừng cào rách da, tứa máu, chúng tôi mới đến được lưng chừng Núi Chúa (Vườn Quốc gia Núi Chúa - Ninh Thuận). Đây là ngày thứ 10, TS Bùi Tuấn Việt (Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật) và TS Katsuyuki Eguchi (Nhật Bản) đi tìm các loài kiến ở nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn độc nhất vô nhị Đông Nam Á này.
Kiến vàng, bò cạp núi... tấn công
Tránh cái nắng như muốn lột da, chúng tôi chui vào một lùm cây rậm nghỉ mát. Đầu tôi đụng phải một tổ kiến vàng, lập tức bị chúng túa ra cắn tới tấp. Anh Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Hào, cán bộ Vườn Quốc gia Núi Chúa, làm nhiệm vụ dẫn đường và phụ tìm kiến, vội cởi áo vì lũ kiến vàng hăng máu đã bu đầy người. Dù đã 59 tuổi nhưng thoáng một cái, TS Bùi Tuấn Việt đã cởi nón, khăn quàng cổ ra khỏi người. Còn chàng TS trẻ măng người Nhật dù bị kiến cắn từ đầu đến lưng nhưng vẫn nhoẻn miệng cười khi thấy tôi nhăn nhó vì những vết kiến cắn nổi đỏ đầy cổ đau buốt.
TS Việt vừa lật một cục đá lên để tìm kiến đã vội thụt tay lại. Mọi người hốt hoảng khi thấy một con bò cạp núi đen thui to bằng ngón tay từ dưới đất chui lên, cong đuôi hung hãn. “Mấy tháng trước, khi đi tìm kiến ở rừng Cát Tiên, mình bị một con bò cạp chui vào giày cắn gây nóng sốt phải nằm liệt giường mấy hôm” - TS Việt kể. Cảm giác sợ hãi nhanh chóng tan biến khi TS Eguchi reo lên vì phát hiện một đàn kiến màu đỏ sẫm mình dài gấp đôi con kiến đen bình thường dưới một tảng đá. Hốt vội mớ đất có lũ kiến cho vào một chiếc khay nhôm, Eguchi dùng chiếc nhíp nhẹ nhàng gắp từng con bỏ vào lọ thủy tinh. Eguchi cho biết giống kiến này có 2 chiếc càng khỏe như máy cạp đất, chỉ mới phát hiện ở Trung Quốc và VN.
Những giọt mồ hôi đã đầm đìa trên khuôn mặt lăn trên hai chòm râu đen lởm chởm như người rừng của Eguchi nhưng anh vẫn say mê đào các gốc cây mục tìm hang kiến. Mỗi khi phát hiện giống kiến mới, mắt anh lại ánh lên niềm hạnh phúc như trẻ thơ khi thấy mẹ đi chợ về mua quà.
Lúc chia tay, cầm tấm danh thiếp in hình con kiến, thậm chí cả địa chỉ email cũng có chữ kiến (antist2007@...) của Eguchi, tôi càng nể phục anh chàng người Nhật này. |
Đến 13 giờ, khi cổ họng tôi khô khốc như muốn nghẹn, mọi người mới nghỉ tay ăn trưa. Ngả lưng trên tảng đá bên bờ suối, Eguchi cười đùa với mọi người đầy sảng khoái như không hề biết mệt nhọc. “Nó 33 tuổi rồi nhưng mải mê với việc nghiên cứu kiến nên chưa lập gia đình” - TS Bùi Tuấn Việt thán phục, dù ông đã bỏ 6-7 năm trời đi khắp các ngọn núi ở VN để tìm kiến và là người nghiên cứu về kiến duy nhất ở VN.
10 ngày, 1.000 con kiến và...
Nhìn mọi người say sưa đủ chuyện về kiến, tôi lại nhớ đến ngày thứ hai của chuyến đi săn - ngày hạnh phúc nhất của Eguchi và TS Việt trong chuyến đi này. Hôm đó, khi chúng tôi vào một khu vực có nhiều gỗ mục, anh Nguyễn Phi Hùng phát hiện một đàn kiến lạ len lỏi trong lớp đất xốp. Vừa xúc đất bỏ lên khay, chúng chạy như gió và biến mất, chỉ còn một con duy nhất. Nhìn chú kiến này, Eguchi reo lên như bắt được vàng. Anh nói đây là giống kiến nguyên thủy lần đầu tiên tìm thấy trên thế giới. Theo Eguchi, các tài liệu nghiên cứu về kiến cho biết giống kiến nguyên thủy đã có cách đây 130 triệu năm và các nhà khoa học chỉ tìm thấy chúng trong trạng thái hóa thạch. Lùng sục cả ngày hôm đó vẫn không bắt được thêm con kiến nguyên thủy nào khác, hôm sau TS Việt và Eguchi quyết định trở lại khu vực này nhưng chúng đã biến mất. Ông Việt cho biết, đây là loại kiến không có mắt và di chuyển trong lòng đất bằng sóng điện từ nên rất khó nhìn thấy. Chúng tôi đến chân núi thì trời đã tối. Eguchi vui vẻ cho biết, sau 10 ngày đi săn đã bắt được khoảng 1.000 con kiến, xác định Núi Chúa có 62 loài kiến. Những con kiến này sẽ được đặt tên để làm bộ sưu tập phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Nhiều loại kiến rất quý “Tại sao loài kiến có trước khủng long nhưng khủng long bị tuyệt chủng, còn kiến thì cứ tồn tại?” - Eguchi sôi nổi đặt vấn đề. “Nhiều loại kiến ở Núi Chúa này rất quý. Như kiến vàng cắn chúng ta hồi sáng là khắc tinh của sâu bọ phá hại cây rừng. Cây cối ở đây có thể sẽ bị tàn phá hết bởi lũ mối nếu không có các loại kiến tiêu diệt chúng. Kiến đã được chế biến làm thuốc chữa bệnh, làm thức ăn... ở một số quốc gia”- TS Việt giảng giải. |
Bình luận (0)