Chăm sóc mai rừng trước khi đưa ra chợ
Ông Ba Sơn, Tết Nhâm Thìn này vừa tròn 70 tuổi, có thâm niên 36 năm trong nghề bán mai Tết ở sông Dinh, cho biết: Hằng năm, chậm nhất vào khoảng mùng 7-8 tháng chạp, những người “săn mai” kết thành từng tốp 4-5 người, về các vùng núi của Ninh Thuận để khai thác mai rừng. “Nếu không có kinh nghiệm, dù đi mòn gót chân cả chục ngày trong núi cũng khó mà tìm được một cành mai”, anh Lứt, gần 10 năm bán mai Tết ở sông Dinh, đúc kết. Theo anh Lứt, mai rừng thường mọc trong những khe đá lớn nên muốn “hạ” mai, trước hết phải phá đá. Vì vậy, có khi quần quật 5-6 ngày trong núi, người giỏi lắm cũng chỉ mang về được chừng chục gốc mai.
“Nhưng không phải cứ đưa được mai về phố là có tiền đâu”, anh Thành, một “thợ săn mai” kỳ cựu, chia sẻ. Để có được một cây mai đẹp, nhiều búp, đủ tài – lộc (có hoa và lá), những người bán mai ở sông Dinh phải mang cành mai ra bờ sông ngâm nước từ 8-10 giờ, sau đó vớt lên, chôn chặt gốc dưới cát ẩm để giữ tươi. Công đoạn cuối là chọn thời điểm vặt lá để mai kịp đơm nụ trước Tết 5-6 ngày. Nếu đến 27, 28 Tết mà cây mai cứ trơ trơ cành gỗ thì xem như… trắng tay.
Hầu hết những người bán mai Tết ở sông Dinh mà tôi đã từng gặp đều nghèo. Ông Ba Sơn, anh Thành, anh Lứt… mỗi người có một nghề để mưu sinh thường ngày khác nhau nhưng cứ mỗi độ Xuân về, họ lại rủ nhau vào núi săn tìm những cánh hoa sắc vàng đặc trưng của Xuân phương Nam để về bán kiếm thêm chút tiền cho 3 ngày Tết. “Nhưng đâu phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái. Tết năm ngoái, nhóm của tôi chặt về 21 cây nhưng chỉ có 7 gốc ra hoa, bán chưa đến 2 triệu đồng. Lỗ… tới xương luôn” - anh Tư Bánh và Năm Gói nhớ lại.
Bình luận (0)