Vấn đề vũ khí sát thương, hợp tác kinh tế hậu TPP, Mỹ tự bảo đảm an ninh hàng không, lắp trạm thu phát sóng liên lạc riêng… là những “điểm nhấn” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.
Dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương?
Một vấn đề thu hút sự quan tâm lớn cả trong và ngoài nước là liệu Mỹ có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama? Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Lê Công Phụng - cho rằng nếu trong chuyến thăm, Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, bởi nó khẳng định quan hệ hai bên đã được bình thường hóa hoàn toàn.
Nhìn vào những động thái trước chuyến thăm, các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing hay Lockheed Martin vừa vào Việt Nam gần đây, TS Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược - Học viện Ngoại giao, tin rằng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Obama, phía Mỹ sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ, phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước.
TS Trần Việt Thái đánh giá việc này sẽ giúp ông Obama tạo được dấu ấn cá nhân trong việc đưa quan hệ Việt - Mỹ thực sự trở lại bình thường. Hơn nữa, Việt Nam là đối tác tích cực, chủ động đóng góp cho hòa bình, ổn định thế giới. Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam từ các đối tác, dù là Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào, chỉ nhằm mục tiêu tự vệ.
Hợp tác về vấn đề con người, kinh tế
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, trong chuyến đi tới Hà Nội mới đây, cho biết một trong những yếu tố quan trọng để giúp dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là Việt Nam tiếp tục đạt được tiến triển trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn về quyền của con người phổ quát, đạt được tiến bộ trong tiến trình cải cách pháp luật quan trọng và việc hợp tác trong nội dung này sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận trong chuyến thăm.
TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định vấn đề quyền con người trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau và đến nay đã trở thành một lĩnh vực hợp tác. Hai bên cũng vạch ra con đường giải quyết những khác biệt là xây dựng cơ chế đối thoại theo nguyên tắc thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, tôn trọng thể chế quốc gia của nhau, trong đó có các quy định pháp luật.
“Việt Nam và Mỹ chia sẻ với nhau những vấn đề nhân quyền của hai nước. Với phía Mỹ, trước thách thức của đe dọa khủng bố nên phải hạn chế một phần nào quyền riêng tư như điện thoại, internet. Trong khi đó, Mỹ cũng phải chia sẻ phần nào với Việt Nam về việc có những lực lượng bất đồng chính kiến có thể gây ra tụ họp đông người, lộn xộn, bất ổn cho xã hội… Khoảng cách về nhân quyền giữa hai bên sẽ tiếp tục được giảm thiểu sau chuyến thăm của Tổng thống Obama” - TS Thái nhận xét.
Khẳng định chuyến thăm là một bước tiến rất quan trọng trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, trong đó trọng tâm là sự phát triển quan hệ kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược trong việc gìn giữ hòa bình ở biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Với chuyến thăm này, dự kiến sẽ có nguồn đầu tư nước ngoài lớn từ các công ty của Mỹ đổ vào Việt Nam cùng với các thỏa thuận thương mại tiềm năng khác.
Chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương
Lịch trình chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Việt Nam đã được Giám đốc Bộ phận các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), ông Daniel Kritenbrink và Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel thông báo tại cuộc họp báo ngày 18-5 (giờ địa phương). Thông tin trên do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp cho Báo Người Lao Động.
Theo đó, ông Obama khởi hành vào ngày 21-5 (giờ địa phương) và dừng chân ở Hà Nội đầu tiên. Tại đây, Tổng thống Obama sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam, dự kiến có bài phát biểu về quan hệ Việt Nam - Mỹ. Sau đó, tại TP HCM, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ các thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Obama là tổng thống Mỹ thứ 3 đến thăm Việt Nam kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây hơn 20 năm.
Ông Kritenbrink nhận định chuyến công du lần này của Tổng thống Obama bao hàm 2 mục đích chính nằm trong chiến lược tái cân bằng của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương, đó là xây dựng quan hệ đối tác mới với Việt Nam và tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Ông Obama sẽ đến Nhật Bản sau khi rời Việt Nam.
Lần đầu tiên thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ chú trọng thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên một loạt lĩnh vực, bao gồm kinh tế, giao lưu nhân dân, an ninh, nhân quyền, các vấn đề toàn cầu, khu vực…
Về hợp tác an ninh, ông Kritenbrink khẳng định một trong những nền tảng của quan hệ đối tác thế kỷ XXI giữa Mỹ và Việt Nam là cam kết chung nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ph.Nghĩa
Mỹ tự bảo đảm an ninh cho tổng thống
Bắt đầu từ cuối tháng 4 đến hôm nay (20-5), sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đón vài chục chuyến bay tiền trạm của Mỹ phục vụ công tác hậu cần cho chuyến thăm của Tổng thống Obama. Trong đó, 5 chuyến bay vận tải hạng nặng Boeing C17 của Không quân Mỹ chở đồ dùng, hàng hóa, phương tiện cần thiết phục vụ cho đoàn tùy tùng của Tổng thống Mỹ.
“Chưa bao giờ có chuyên cơ nào được chuẩn bị chu đáo như vậy. Các đoàn tiền trạm đến và đi dày đặc” - nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết. Phía Mỹ cũng thông báo đoàn tùy tùng của Tổng thống Obama sẽ lên đến 1.600 người.
Hai trong số 5 chiếc Boeng C17 chở theo máy bay trực thăng Marine One sẵn sàng phục vụ chuyến đi của Tổng thống Mỹ. Các phi công cũng tiến hành khởi động máy bay trực thăng để kiểm tra kỹ thuật, sau đó đưa vào hangar. Trong kịch bản được các đoàn tiền trạm phục vụ chuyến công du của Tổng thống Obama thông báo cho phía Việt Nam, những chiếc Marine One có nhiệm vụ hộ tống ông Obama trong quá trình di chuyển bằng xe riêng từ 2 sân bay về trung tâm TP Hà Nội và TP HCM. Đây cũng có thể là phương tiện được ông Obama sử dụng để đi lại trong những cự ly ngắn.
Phía Mỹ cũng yêu cầu lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc riêng tại sân bay để trực tiếp điều hành công việc. Tại 2 sân bay trên, các đoàn tiền trạm của Mỹ cũng họp với các đơn vị chức năng thuộc các bộ: Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng của Việt Nam để thông báo các nội dung và làm các thủ tục cần thiết cho sự kiện.
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị không kiểm tra an ninh hàng không đối với chuyến bay của Tổng thống Barack Obama. Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản chấp thuận. Phía Mỹ cam kết tự chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các chuyến bay chuyên cơ của Mỹ rời Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama khác biệt là vì phía Mỹ đưa ra các phương án tự bảo đảm an ninh trong suốt thời gian diễn ra sự kiện với các trang thiết bị tối tân và lực lượng mật vụ hùng hậu. Theo yêu cầu, công tác bảo vệ Tổng thống Mỹ ở Việt Nam cũng được tăng cường nhưng lực lượng an ninh hàng không của Việt Nam chủ yếu chỉ bảo vệ ở vòng ngoài.
Tô Ngọc
Bình luận (0)