Nga Sơn và Hậu Lộc được xem là 2 vùng nuôi ngao lớn nhất Thanh Hóa, mỗi năm cung ứng cho thị trường tỉnh này và một số địa phương lân cận hàng trăm ngàn tấn ngao. Để nuôi được một vựa ngao từ khi con bé như hạt cát đến lúc có thể đem xuất bán, người dân Nga Sơn và Hậu Lộc phải ăn sương nằm gió ngoài biển nhiều tháng trời, đối mặt với vô vàn khó khăn. Trong đó, việc thiếu nước ngọt là điều mà bà con luôn trăn trở, bởi những chòi canh ngao nằm rất xa đất liền, có nơi đến vài hải lý. Chính vì thế, nhiều ngư dân đã nghĩ đến một việc mà xưa nay chưa ai làm, thậm chí được coi là điên rồ: Thuê thợ ra biển khoan giếng tìm nước ngọt.
Bật khóc vì sung sướng
Ngay từ sáng tinh mơ, anh Nguyễn Phúc Tuấn (ngụ xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã thuê thuyền máy đưa chúng tôi ra mục sở thị những chòi canh ngao lênh đênh ngoài biển cả của 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc. Chiếc thuyền máy rẽ nước chạy dọc con kênh qua các rặng đước, rừng mắm rồi vòng vèo qua những cây cọc được chăng lưới chằng chịt của các đồng ngao.
Mới sáng sớm nhưng nhiều thuyền máy chở đầy ngao, sò đã hối hả chạy vào đất liền. “Mùa này nắng nóng khủng khiếp nên người dân đã phải dậy từ lúc 2-3 giờ sáng để thu hoạch ngao đưa vào đất liền, tránh tình trạng ngao chết, mất giá và trốn nắng nữa” - anh Tuấn giải thích.
Sau gần 1 giờ chạy thuyền, anh Tuấn dẫn chúng tôi lên chòi canh ngao của hộ anh Bùi Xuân Quang (ngụ xã Nga Tân, huyện Nga Sơn). Đây là hộ đầu tiên khoan tìm thành công nguồn nước ngọt giữa biển khơi để phục vụ sinh hoạt.
Kể về những ngày tháng dầm mình ngoài biển nuôi ngao, anh Quang đã cho chúng tôi thấu hiểu phần nào sự nhọc nhằn, cơ cực và cả vị mặn chát của nghề này. Quang cho biết sau khi lập gia đình, anh làm đủ thứ nghề, đi nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. “Thấy nhiều người nuôi ngao ngoài biển kiếm sống được nên vợ chồng tôi cũng đánh liều vay mượn ngân hàng, anh em, họ hàng được vài trăm triệu đồng để đầu tư vào đồng ngao” - anh nhớ lại.
Từ đất liền ra biển, anh Quang mới biết nghề nuôi ngao cơ cực thế nào vì cái gì cũng thiếu, đặc biệt là nước ngọt để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Cứ mỗi tuần, anh Quang và hầu hết những người nuôi ngao ngoài biển đều phải dong thuyền vào đất liền để lấy nước ngọt, gần thì cũng mất khoảng 5 lít dầu, xa thì khoảng 7 lít. Tuy nhiên, không phải lần nào vào bờ lấy nước cũng thuận lợi. Có thời điểm thủy triều lên rất ít, luồng lạch cạn nước nên việc vào đất liền lấy nước gặp không ít khó khăn.
Năm 2012, anh Quang hay tin có một người ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình tìm được nguồn nước ngọt giữa biển. Anh và một số người nuôi ngao liền lặn lội ra xem thực hư thế nào. Thế nhưng, mọi người đành thất vọng ra về vì nguồn nước ở Ninh Bình là nước lợ, chỉ dùng để tắm giặt chứ không thể ăn uống được.
“Về nhà, tôi nằm suy nghĩ nhiều ngày và quyết định thuê người ra biển khoan giếng. Bởi lẽ, ở Ninh Bình họ khoan được nước lợ thì biết đâu vùng biển quê mình có nước ngọt?” - anh Quang kể lại.
Anh Quang đã thuê thợ, đưa máy móc ra chòi canh để tìm điều kỳ diệu. Lúc ấy, không ít người đã cười chê, thậm chí có ý kiến còn cho rằng anh “bị hâm”. Nhưng rồi, sau nhiều ngày cắm khoan xuống biển, gia đình anh Quang vỡ òa sung sướng. Khi mũi khoan xuống tới độ sâu 110 m, nguồn nước ngọt quý như vàng đã xuất hiện.
“Khi ấy, vợ chồng tôi đã bật khóc vì sung sướng. Để cho chắc đây là nguồn nước ngọt thực sự, tôi đã bơm đầy nước vào can, bình… trữ nhiều ngày xem có vấn đề gì không. Sau nhiều ngày, nước vẫn không đổi màu, không có mùi lạ mà vẫn trong veo và ngọt” - anh Quang hồ hởi.
Không phải ai cũng may mắn
Hay tin anh Quang khoan tìm được nước ngọt giữa biển, hàng trăm người nuôi ngao ở Nga Sơn và Hậu Lộc đã đến tìm hiểu và nếm thử. Nhiều người không tin nổi giữa biển khơi mênh mông lại có giếng nước ngọt như thế.
Rất nhiều người sau đó đã thuê thợ ra biển khoan giếng tìm nước ngọt. Tuy nhiên, số người may mắn tìm thấy nước ngọt chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Anh Bùi Văn Lượng (ngụ xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết đã thuê thợ khoan gần chục mũi quanh chòi canh ngao nhưng cuối cùng vẫn thất bại. “Khoan xuống tới độ sâu hơn 150 m, nước vẫn mặn chát. Có lần, tôi khoan được nước lợ nhưng chỉ được ít bữa thì không thể nào dùng được. Cũng may, hộ anh Bùi Xuân Quang, anh Nguyễn Văn Ngọc và ông Đồng Văn Ánh đều đã khoan được nước ngọt nên chúng tôi cũng không phải vất vả vào trong đất liền lấy nước như trước đây nữa” - anh Lượng cho biết.
May mắn tìm được nguồn nước ngọt nhưng hộ ông Đồng Văn Ánh (ngụ xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) đã phải tốn gần 40 triệu đồng. Bởi lẽ, ông đã khoan tới 5 vị trí mới tìm thấy được nguồn nước ngọt.
“Mũi khoan cuối cùng của hộ tôi phải mất cả 1 tuần. Cứ đợi khi thủy triều rút xuống, thợ mới hì hục khoan. Khi xuống đến 100 m mà chẳng thấy nước đâu lại gặp 1 lớp đá, khiến chúng tôi gần như hết kiên nhẫn. Thế nhưng, tổ thợ cho biết theo kinh nghiệm của họ, khi qua lớp đá sẽ có nước. Vì thế, tôi đồng ý cho họ khoan thêm 20 m nữa và điều kỳ diệu đã đến. Giờ đây, gia đình tôi đã có nước thoải mái dùng, không cần phải lủng lẳng can, thùng đi vào bờ như trước nữa” - ông Ánh vui mừng.
Theo thống kê sơ bộ của anh Quang và ông Ánh, đã có hơn 100 mũi khoan của các hộ nuôi ngao được cắm xuống lòng biển nhưng chỉ có 5 mũi thành công. Nhiều hộ khoan nhiều lần, sâu tới cả trăm mét nhưng nguồn nước vẫn mặn chát. Thậm chí, hộ anh Lượng khoan gần bờ và cách giếng nước ngọt của anh Quang không xa nhưng càng khoan, nước đưa lên càng mặn chát.
Kể từ ngày hộ anh Quang, ông Ánh… tìm được nguồn nước ngầm dưới đáy biển, những hộ nuôi ngao quanh khu vực cùng thuận tiện hơn rất nhiều. Họ không phải lo lắng khi nước hết lại phải dong thuyền cả cây số vào đất liền lấy nước nữa.
Sau một ngày lênh đênh trên các chòi ngao, chúng tôi ngược trở lại đất liền khi mặt trời đã khuất sau những dãy núi trùng điệp. Thủy triều đang lên ngập dần những chiếc cọc cắm chi chít ngoài biển. Chúng tôi cũng vui lây niềm vui của những ngư dân miền biển đã biết vượt qua bao trở ngại để khắc phục những khó khăn luôn bủa vây họ. Trong đó, việc tìm thấy nguồn nước ngọt giữa mênh mông biển mặn được xem như một kỳ tích.
Tự lo luôn nguồn điện
Không chỉ khắc phục được nguồn nước ngọt, những người nuôi ngao trên biển ở Thanh Hóa còn có thể tự lo được nguồn điện sinh hoạt tối thiểu của mình, thậm chí còn có thể xem tivi, nghe đài nhờ việc lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời.
Theo ông Đồng Văn Ánh, việc có điện đã giúp ngư dân ở chòi nuôi ngao giữa biển khơi bớt buồn tẻ vì có thể nghe đài, xem tivi, gọi điện thoại liên lạc với người thân. Đặc biệt, mỗi khi thời tiết có giông bão, việc liên lạc với đất liền rất quan trọng để người nuôi ngao có thể nhanh chóng trở vào bờ, tránh những điều rủi ro đáng tiếc.
Cơ cực nghề nuôi ngao
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 ha diện tích nuôi ngao. Trong đó, huyện Hậu Lộc có 703 ha, huyện Nga Sơn 350 ha. Đây là 2 huyện có diện tích nuôi ngao nhiều nhất Thanh Hóa với số vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ngao rớt giá thê thảm do chất lượng nuôi giảm, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước… khiến người dân gặp vô vàn khó khăn.
Khoảng 8 năm trước, nghề nuôi ngao ven biển bỗng “gặp vận đỏ”. Người nuôi ngao cứ phất lên như diều gặp gió, nhiều gia đình chỉ sau vài vụ nuôi trồng đã trở thành tỉ phú. Thế rồi, hàng ngàn hecta diện tích ven biển ở huyện Nga Sơn và Hộc Lộc được chính quyền cho người dân đấu thầu để nuôi ngao, phát triển kinh tế. Song, con ngao chỉ có giá trong 1-2 năm đầu rồi từ đó cứ rớt giá dần. Đến nay, giá ngao đã xuống đến mức thấp nhất (10.000-12.000 đồng/kg)
và không biết khi nào mới trở lại thời hoàng kim. Không ít hộ nuôi đã phá sản, vỡ nợ vì ngao.
Bình luận (0)