Ngày 21-10, ngay sau khi thông tin ông Nguyễn Văn Kỳ Chủng (37 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi), Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính Thiên Việt (gọi tắt Công ty Thiên Việt) bị bắt tạm giam vì có dấu hiệu tổ chức kinh doanh sàn vàng ảo trái quy định, lập tức hàng trăm khách hàng gửi tiền vào Công ty Thiên Việt tại các chi nhánh nháo nhào, họ liên tục đến đòi rút tiền đã gửi.
Tại chi nhánh TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, sáng 21-10 hàng chục người đã tìm đến trụ sở chi nhánh đòi rút tiền đã gửi vào Công ty Thiên Việt.
Nhiều người gửi tiền đã đến chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư Thiên Việt tại TP Quảng Ngãi rút tiền sau khi lãnh đạo công ty này bị bắt. Ảnh: T.Trực
Chị Nguyễn Thị T., một khách hàng gửi tiền cho biết, tổng số tiền đã gửi vào Công ty Thiên Việt hơn 800 triệu đồng. “Hôm qua, sau khi đọc báo thấy lãnh đạo Công ty Thiên Việt bị bắt, tôi vội vã đến đây rút tiền đã gửi nhưng khi đến trụ sở họ đóng cửa. Đến sáng nay đến họ nói phải chờ bên phía công an giải quyết, chứ hiện tại không thể rút được tiền vì mọi hồ sơ, chứng từ đã bị công an thu giữ”, chị T. cho biết.
Theo lời chị T., chị gửi tiền vào Công ty Thiên Việt thông qua một nhân viên quen biết làm tại công ty Thiên Việt với lãi suất 7%/năm. “Tôi đã gửi được hơn 1 năm qua. Chúng tôi gửi vô chỉ lấy lời lãi suất, không biết họ kinh doanh sàn vàng ảo. Nhưng giờ công ty bị sự cố, không biết chúng tôi có rút lại được tiền hay không?”, chị T. lo lắng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng tại chi nhánh Quảng Ngãi đã có hàng trăm khách hàng gửi tiền tiết kiệm vào Công ty Thiên Việt, với số tiền hàng chục tỉ đồng.
Người gửi ít cũng trên chục triệu, người gửi nhiều trên 2 tỉ đồng. Đa số khách hàng là người thân của nhân viên hoặc người làm trong công ty vận động gửi tiền vào để hưởng lãi suất, phần lớn họ không biết hình thức kinh doanh của Công ty Thiên Việt như thế nào.
Cán bộ Công an đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Nguyễn Văn Kỳ Chủng ở TP.HCM. Ảnh: Sỹ Hưng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an, cho biết đây là thủ đoạn kinh doanh sàn vàng ảo đều được các đối tượng thực hiện giống nhau, dưới hình thức góp vốn, trả lãi suất cao và giao dịch bằng tài khoản trên mạng do công ty cung cấp… “Hiện nay Nhà nước chưa cho phép và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tổ chức hoạt động kinh doanh vàng thông qua sàn giao dịch và kinh doanh vàng trên tài khoản. Do đó, việc thành lập sàn vàng và giao dịch vàng trên tài khoản là trái quy định của pháp luật. Còn người gửi tiền tiết kiệm vào Công ty Thiên Việt thì chúng tôi sẽ điều tra kỹ càng, nếu không có dấu hiệu tham gia kinh doanh sàn vàng trái quy định, công ty phải có trách nhiệm hoàn trả”, cán bộ C50 cho biết.
Cũng theo vị này, người kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí dẫn đến trắng tay khi các đối tượng can thiệp, xóa hết lịch sử giao dịch hoặc xóa tài khoản. Đã có không ít người khi công ty kinh doanh sàn vàng bị triệt phá liền chạy đến khóc lóc nhưng không có ai đứng ra để bồi thường mới thấm thía. Không những thế, đối tượng kinh doanh vàng tài khoản có thể bị khép vào tội “Kinh doanh trái phép”, tùy theo số tiền giao dịch để xử lý.
Theo cơ quan điều tra Bộ Công an, ngay sau khi thực hiện lệnh bắt và khám xét trụ sở chính, chi nhánh và chỗ ở của Chủng và Thành, qua khai thác máy chủ đã phát hiện hàng ngàn khách tham gia sàn vàng “chui”, giao dịch ngoại tệ, góp vốn với số tiền trên 150 tỉ đồng. Người tham gia ít nhất khoảng 100 triệu đồng, nhiều nhất lên đến vài tỉ đồng. Bộ Công an cũng thu giữ khoảng 500 triệu đồng tiền mặt và nhiều tài liệu liên quan đến giao dịch sàn vàng ảo. Riêng tại chi nhánh TP HCM, công an thu giữ thêm 147 triệu đồng tiền mặt, 3 ô tô.
Bình luận (0)