xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sang Angola theo con đường… chui

Theo Thái Sơn - Khánh Hoan - Trương Hoa (Thanh Niên)

Trong khi cái chết đầy oan khuất của 3 công dân VN trên đất Angola vẫn chưa được làm rõ thì nhiều người dân vẫn nuôi mộng đi làm giàu ở vùng đất này.


img
Hai con trai của chị Nguyễn Thị Xuân (bị cướp giết chết ở Angola) trước bàn thờ mẹ - Ảnh: Trương Hoa

“Anh cứ an tâm, chúng tôi lo đầy đủ, chồng trước 2.500 USD để làm thủ tục, còn lại khi nào có lịch bay mới chồng đủ tiền”, K., một “cò” ở Nghệ An đang nhận làm thủ tục đưa người sang Angola làm việc, đảm bảo với PV Thanh Niên trong vai người muốn đi lao động xuất khẩu.

"Biến" thành người Trung Quốc, Thái Lan

“Một số công ty môi giới tại Hà Nội đã lợi dụng việc xin visa du lịch có giá trị trong vòng 30 ngày rồi lừa đảo người lao động là visa lao động trong thời hạn 3 tháng, người lao động qua bằng đường này hết hạn thì trốn ở lại” - Ông Phạm Tiến Nhiền, Đại sứ VN tại Angola

Theo K., hiện nay ở VN chưa có doanh nghiệp nào trong nước có chức năng đưa lao động sang Angola nên phải đi qua nước trung gian khác. Hiện các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Thái Lan có chức năng đó nên phải thông qua họ. Để có hợp đồng lao động 3 năm ở Angola, người lao động VN phải hợp thức hóa thành người Trung Quốc hoặc Thái Lan.

“Thủ tục này chúng tôi lo. Việc hợp thức hóa này chỉ là hình thức thôi, không hề ảnh hưởng gì đến quốc tịch của người đi”, K. trấn an.

Ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chúng tôi được một người dân giới thiệu đến nhà ông L. Ông L. hồ hởi cho biết sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề: “Thằng con tui mới đi được 3 tháng, gửi về hơn 2.000 USD rồi. Có 3 đứa cháu của tui mới làm thủ tục hơn tháng ni cũng sắp bay. Sang đó làm thợ xây là ăn nhất, mỗi tháng cũng kiếm được nghìn đô. Như thằng con tui ở nhà chỉ là thợ xây xoàng, nhưng sang đó lại được trọng dụng”.

Theo ông L., chi phí trọn gói cho chuyến đi là 6.500 USD, gồm các thủ tục giấy tờ: chứng chỉ nghề và thủ tục hợp thức hóa thành người có quốc tịch Trung Quốc để làm thẻ di trú ở Đại sứ quán Angola tại Trung Quốc. Người lao động nộp trước 2.500 USD, khi có lịch bay nộp tiếp 4.000 USD.

Thấy chúng tôi tỏ ra lo ngại vì không có cam kết đảm bảo khi xảy ra rủi ro, ông L. trấn an: “Cứ an tâm, đưa tiền cho tui là tui lo được. Tất nhiên tui cũng phải ra Hà Nội nhờ họ làm cho vì sang Trung Quốc lo thủ tục đâu chuyện đơn giản”. Ông L. hứa trong vòng 40 ngày, lâu nhất 2 tháng "nếu không bay được sẽ hoàn tiền lại”. Hỏi ở Hà Nội ai lo thủ tục thì ông L. lắc đầu cười bí hiểm.

Khó quản lý

Theo ông Hồ Xuân Thi, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang, cả xã có hơn 40 người đang lao động tại Angola. Phong trào đi Angola ở đây bắt đầu từ năm 2008, do một số người ở xã Kỳ Châu đến giới thiệu rồi đưa đi. Vài người đi trót lọt, thấy làm ăn được thì gọi điện về nhận người đưa sang bằng hình thức đi du lịch rồi trốn ở lại. “Nhiều người thấy hàng xóm làm có tiền gửi về đều đặn cũng nhờ lo cho con cháu đi theo”, ông Thi nói.

Ông Nguyễn Kiên Quyết, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Kỳ Anh, cho biết hiện nay có khoảng 400 người ở huyện này đang làm việc tại Angola. Do những người này đi tự do nên không quản lý được. “Hiện nay, cũng có một số người dân đứng ra làm thủ tục để đưa người sang đó nhưng chúng tôi rất khó xử lý mà chỉ khuyến cáo người dân nên cảnh giác để đề phòng rủi ro”, ông Quyết nhìn nhận.

Ông Phạm Tiến Nhiền, Đại sứ VN tại Angola, cho biết hiện có khoảng trên 5.000 lao động VN đang làm ăn tại đây, nhưng con số này chưa phải chính xác. “Có điều rất khó là phần lớn lao động đi theo diện tự do, khi đi không có một cơ quan nào quản lý, họ cũng không đăng ký với đại sứ quán nên chúng tôi cũng không biết bao nhiêu người. Khi có sự việc xảy ra mới biết và lúc đó đã rất muộn rồi”, ông Nhiền nói.

Ông Nhiền cũng nhìn nhận người lao động VN sang Angola chủ yếu bằng con đường “chui” như đi bằng đường du lịch, thăm người thân rồi trốn ở lại, hoặc thông qua thị thực lao động đối với nước thứ ba. Về việc người lao động VN sang Angola thông qua Trung Quốc, ông Nhiền cho biết do Angola chưa có cơ quan đại diện tại VN nên việc cấp visa đều phải làm tại lãnh sự quán của Angola tại Bắc Kinh. Đây là điểm để các đường dây lợi dụng đưa người lao động đi bất hợp pháp.

“Nhu cầu lao động của Angola hiện rất lớn, nước này cũng khá cởi mở đối với lao động nhập cư. Trong trường hợp có một công ty của Angola hoặc công ty nước ngoài liên doanh với Angola có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài thì sẽ xin giấy phép và được chính quyền Angola cấp thị thực lao động”, ông Nhiền cho biết.

Cũng theo ông Nhiền, vừa qua Đại sứ quán VN đã phát hiện ra một số đường dây đưa bất hợp pháp người lao động VN qua Angola. "Một số công ty môi giới tại Hà Nội đã lợi dụng việc xin visa du lịch có giá trị trong vòng 30 ngày rồi lừa đảo người lao động là visa lao động trong thời hạn 3 tháng, người lao động qua bằng đường này hết hạn thì trốn ở lại”, ông Nhiền nói và cho biết đã báo cáo về nước vụ việc, đề nghị xử lý nghiêm.

Theo Đại sứ quán VN tại Angola, trong thời gian gần đây đã có 4 lao động VN bị giết ở Angola, gồm 1 trường hợp bị bắn nhầm vào cuối năm 2009 và 3 trường hợp bị cướp dùng súng và dao giết hại vào đầu năm nay. Trong số này, chị Nguyễn Thị Xuân và Nguyễn Thị Hải (Hà Tĩnh) bị cướp dùng dao sát hại; còn anh Trần Xuân Hóa, ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương bị một toán cướp bắt trói rồi dẫn đến chỗ ở để cướp của, khi anh Hóa hô hoán lên thì bị cướp bắn chết, đến nay vẫn chưa xác định được hung thủ.

Ngoài ra, có rất nhiều người lao động VN chết vì bệnh tật, đặc biệt là sốt rét. “Hơn 1 năm từ khi tôi sang nhận nhiệm vụ ở đây, cứ một tháng có 1 người chết vì sốt rét”, Đại sứ Phạm Tiến Nhiền thông tin.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo