Trung tá Phạm Văn Hưng, vào thời điểm ngày 14-3-1988 là ngành trưởng hỏa lực tàu HQ-505 đóng giữ đảo Cô Lin, sau này vẫn tiếp tục gắn bó với biển. Ông đã đưa nhiều đoàn ra thăm Trường Sa và truyền cho họ hào khí của lính hải quân (HQ), nhất là tinh thần ngày 14-3. Trung tá Hưng từng được mệnh danh là “vua đi biển” của Quân chủng HQ. Hiện ông là thuyền phó một con tàu làm nhiệm vụ bảo vệ thăm dò dầu khí ngoài khơi của Tổ quốc.
Ký ức không phai
“Mỗi lần ra Trường Sa, tôi đều nghĩ nhiều về những người đã mãi nằm lại giữa trùng khơi trong sự kiện ngày 14-3. Họ hy sinh để truyền lại cho chúng ta bài học về ý chí, về sự xả thân và tinh thần hiến dâng những gì quý giá nhất của mình, thậm chí cả mạng sống, để chủ quyền quê hương muôn đời luôn được giữ vững” - trung tá Hưng xúc động.
“Tôi chấp nhận lên tàu TQ chỉ với mong muốn duy nhất là sau khi mình chết, thi thể vẫn còn để gia đình nhận được. Trong thời gian bị TQ giam giữ, tôi đã nhiều lần có ý định tự tử. Với lý do mất ngủ, tôi xin thuốc ở nhà giam của TQ và tích trữ dần, rồi cố tình uống quá liều... Sau này, dù xuất ngũ, không còn trong Quân chủng HQ nữa nhưng những năm tháng ở Trường Sa và những chuyện đã trải qua giúp tôi vượt qua nhiều thời điểm khó khăn. Khi hai chữ Trường Sa được nhắc đến, tôi như được tiếp thêm dũng khí” - anh Thống tâm sự.
Trong căn nhà đơn sơ của cựu binh Nguyễn Văn Lanh ở huyện Quảng Ninh - Quảng Bình, thứ giá trị được treo trang trọng nhất là 2 danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Huân chương Chiến công hạng nhất. Trong trận chiến ấy, để giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, dù bị lưỡi lê của lính TQ đâm xuyên vai và bị thương nhiều chỗ trên cơ thể nhưng ông vẫn bất chấp: “Vết thương ngoài da thịt có sá gì. Đau nhất là đồng đội nằm xuống không tìm thấy thi thể. Tuy vậy, họ đã để lại tinh thần ngày 14-3 bất diệt”.
Vượt gian nguy, giữ vững chủ quyền
Những cựu binh giờ đây đều có chung suy nghĩ: Cần phải làm gì đó để tuổi trẻ Việt Nam biết nhiều hơn, hiểu rõ hơn về sự kiện ngày 14-3. Đại tá cựu chiến binh Trịnh Thanh Phi đề nghị: “Để góp phần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài về trách nhiệm đối với sự nghiệp thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, đặc biệt là chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông, nên lấy 14-3 hằng năm làm ngày chủ quyền Tổ quốc hoặc chủ quyền biển đảo”.
Đại tá Trần Minh Cảnh, nguyên chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 HQ, kỳ vọng: “Tôi luôn mong mỏi tuổi trẻ hiểu rõ hơn về chủ quyền Tổ quốc, về sự hy sinh cao cả, về những gì mà lớp đàn anh của họ đã làm vì biển đảo quê hương” .
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 HQ, là người trực tiếp chỉ huy Cụm 2 Trường Sa và có mặt ở đảo Gạc Ma vào trưa 14-3-1988. Chứng kiến nhiều chiến sĩ hy sinh và mất tích, ông ngậm ngùi: “Thật thương tiếc nhưng rất đỗi tự hào. Sự hy sinh cho Tổ quốc bao giờ cũng vinh quang. Nếu sống lại, tôi nghĩ các em vẫn chọn lựa như vậy”.
Gạc Ma máu thịt Chín cựu binh đảo Gạc Ma bị TQ bắt giữ có cách ghi nhớ thời khắc bi tráng của đời mình bằng việc xăm 3 con số “14-3” lên cánh tay. Có người như cựu binh Lê Văn Đông lại đặt tên con trai là Lê Quần Đảo để luôn nhớ về Trường Sa thân yêu, về Gạc Ma máu thịt. “Những người có mặt trong sự kiện ngày 14-3 cách đây 25 năm chắc chắn đều có cách riêng để ký ức không bao giờ phai nhạt” - đại tá anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 trấn giữ đảo Cô Lin năm nào, khẳng định.
H.Ánh - H.Dũng |
Bình luận (0)