Thật ra, hiện tượng này chỉ là bản sao chậm của phong trào chống tiêm chủng ở các nước Âu - Mỹ vốn đã xuất hiện khoảng 10-20 năm trước đây.
Tuy chỉ là trào lưu song nó có sức lan tỏa và tác động nhất định, tạo ra cách nghĩ trái chiều, thái độ thụ động, lo lắng trong một bộ phận người dân - nhất là các bậc cha mẹ - về vai trò của việc tiêm chủng, đi ngược với xu hướng toàn cầu.
Không thể chối cãi rằng lợi ích của việc phòng bệnh bằng vắc-xin đã được chứng minh từ lâu và chương trình tiêm chủng đã trở thành đòi hỏi máu thịt của mọi nền y tế. Đây được xem là sự đầu tư mang tính chiến lược cho tương lai của mỗi đất nước. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, những thành tựu về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đã làm xuất hiện những vấn đề mới về tâm lý xã hội.
Ở các nước phương Tây, những nghiên cứu về phản ứng của xã hội đối với vấn đề tiêm chủng cho thấy khi bệnh lây lan rộng thì tỉ lệ tiêm chủng tăng rất cao nhưng khi bệnh đã giảm đến mức rất thấp thì người dân lại hướng sự quan tâm đến những phản ứng sau tiêm, ít chấp nhận rủi ro, tác dụng phụ hay biến chứng.
Theo dòng thời sự "chống vắc-xin", một bộ phận nhỏ phụ huynh lo lắng, xem "tác dụng phụ có ý nghĩa quan trọng hơn những lợi ích tiềm năng". Điều này không khó hiểu. Chỉ sợ rằng năng lực nhận thức - trong thế thụ động và thiếu tỉnh táo - lại trở thành nguy cơ đối với chính con em mình và cả cộng đồng, nơi đang được xây dựng thành "hành lang an toàn" bằng chiến lược tiêm chủng.
Việc khai thác thông tin sức khỏe và tham vấn qua mạng đang ngày càng phổ biến. Nhưng bên cạnh sự tiện lợi là rất nhiều rủi ro, do nhiều thông tin còn ở dạng thô, "trôi nổi", không được kiểm chứng và không có cá nhân chịu trách nhiệm. Xin nêu một ví dụ, các báo cáo năm 1974, 1998 về vắc-xin gây động kinh, tự kỷ tại Anh và Mỹ (khiến hàng trăm trẻ chết sau đó vì bệnh do không chích ngừa) đã được chứng minh là sai lệch, thậm chí, theo PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, tác giả của nó đã bị kết tội "gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích".
Tại Việt Nam, từ những ý kiến của các bậc cha mẹ trên một số diễn đàn, có thể khái quát nỗi quan ngại xã hội về một số vấn đề cốt lõi liên quan đến vắc-xin. Trước hết, cùng với kêu gọi chích ngừa, ngành y tế cần giải thích tường tận về những lợi ích và nguy cơ của từng loại vắc-xin, quản lý thật chặt chẽ vắc-xin ở một số cơ sở y tế để bảo đảm chất lượng, tổ chức ứng phó thật nhanh chóng, hiệu quả khi gặp tai biến nguy hiểm; trong trường hợp có tử vong hay tai biến bất thường sau tiêm, việc truyền thông cần khách quan, trung thực, không lấp lửng gây sợ hãi và nhất là làm rõ cái chết đó có mối liên hệ nhân quả với vắc-xin đã tiêm hay không.
Đây cũng là dịp ngành y tế nước nhà nhìn lại và tự điều chỉnh trước trào lưu "quay lưng với vắc-xin", ít nhiều có ảnh hưởng đến vai trò, nhiệm vụ và cả tiếng nói của mình.
Bình luận (0)