Ngày 26-7, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị lần cuối lấy ý kiến các bộ, ngành cho dự thảo nghị định của Chính phủ về xây dựng lực lượng kiểm ngư. Dự kiến, đầu tháng 8 tới đây, sau khi hoàn chỉnh dự thảo, cơ quan soạn thảo sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để ban hành.
Phù hợp với thông lệ quốc tế
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Phạm Anh Tuấn cho biết tại hội nghị, các bộ, ngành đã “chốt” lại những quy định cụ thể trong dự thảo nghị định như chức năng, quyền hạn, trách nhiệm bộ máy của lực lượng kiểm ngư. “Đặc biệt, nghị định quy định về trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng kiểm ngư trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, xử lý tàu cá vi phạm hay các loại tàu khác của nước ngoài vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, lãnh hải Việt Nam và là lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, việc xử lý cụ thể sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành khác” - ông Tuấn nêu rõ.
Theo ông Tuấn, nghị định không quy định chi tiết việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện của lực lượng kiểm ngư mà sẽ có chính sách riêng của Nhà nước cụ thể hóa việc này. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định, các bộ, ngành tiếp tục xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện để chi tiết hóa các quy định như chế độ cán bộ kiểm ngư, phù hiệu, đồng phục cũng như chế độ đầu tư…
Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Khi nghị định được ban hành, lực lượng kiểm ngư sẽ được thành lập và có thể ra mắt trong tháng 9 năm nay”.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Trần Đình Nhã, cho biết sau khi được thành lập, kiểm ngư sẽ là lực lương chủ công trong việc tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa xử lý tàu cá, phương tiện khác vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam và bảo vệ môi trường biển… Đây cũng là hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trang bị hiện đại
Ông Trần Đình Nhã cho biết do trách nhiệm quan trọng của kiểm ngư nên lực lượng này sẽ được trang bị tàu thuyền lớn, tốc độ cao cùng trang thiết bị hiện đại để đáp ứng việc thực thi công vụ nhiều ngày trên biển.
Hiện Bộ NN-PTNT đã trình phương án xây dựng 28 chi cục kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành ven biển; các tỉnh khác sẽ có phòng kiểm ngư để tuần tra, kiểm soát trên các hồ. Theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, mỗi cơ quan kiểm ngư vùng sẽ có 1 tàu kiểm ngư hiện đại, công suất từ 2.000 CV trở lên, có thể hoạt động trong môi trường sóng gió cấp 8 - 9 và hoạt động dài ngày trên biển. Các tàu sẽ có trang thiết bị hiện đại như hệ thống vô tuyến MF/HF, định vị vệ tinh GPS và liên lạc qua vệ tinh Immarsat, các trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người và tàu cá trên biển, thiết bị kiểm tra chuyên dụng, quay phim, chụp ảnh bằng tia hồng ngoại...
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có tờ trình về việc xây dựng, ban hành nghị định về cơ cấu tổ chức hoạt động của kiểm ngư Việt Nam trình Thủ tướng xem xét. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sự cần thiết của nghị định này nhằm thể chế hóa nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc thành lập lực lượng kiểm ngư trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) để thực hiện chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định; đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong việc thành lập hệ thống tổ chức cơ quan kiểm ngư Việt Nam, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ quan kiểm ngư và lực lượng kiểm ngư...
Bình luận (0)