Lỗ vốn vẫn ra khơi
Sáng 13-6, bến cá phường 6, TP Tuy Hòa - Phú Yên lại có thêm 5 tàu ra khơi. Thuyền trưởng tàu PY 92223 TS Lê Thái Bình vừa cho tàu “ăn” đá lạnh vừa nói: “Chuyến biển này tui sắm tổn (chi phí-PV) gần 120 triệu đồng nhưng chưa biết có câu được cá hay không. Chuyến trước bị tàu Trung Quốc phá nên không làm ăn gì được, lỗ gần 60 triệu đồng”.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê duyệt danh sách 65 tàu cá (15 tàu hạng 1 và 50 tàu hạng 2) hoạt động trên các vùng biển xa. Ngoài đánh bắt, các tàu cá này sẽ tham gia bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam. |
Chúng tôi đến thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi thăm ngư dân Tiêu Viết Là.
Ông Là từng 4 lần bị Trung Quốc bắt, trong đó có một lần bị hải quân Trung Quốc bắn gây thương tích và thu cả tàu cá. Vì vậy, số nợ của ông hiện đã lên khoảng 550 triệu đồng. “Mới hôm rồi ngân hàng xuống đòi nợ, tôi nói bị Trung Quốc bắt và mong chiếu cố nhưng họ lắc đầu” - ông Là kể.
Ngư dân Huỳnh Kim Nhựt (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành - Quảng Nam) cho biết: “Nếu còn sống, chúng tôi một lòng quyết tâm bám biển. Biển không chỉ cho ngư dân chúng tôi cái ăn, cái mặc mà đó chính là một phần ngư trường của cha ông bao đời nay khai phá và lưu giữ, quyết bảo vệ ngư trường cũng chính là bảo vệ một phần lãnh thổ của Tổ quốc”.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh hiện có hơn 7.000 tàu thuyền khai thác hải sản. “Chúng tôi đang lập danh sách tàu khai thác khơi với hơn 1.900 chiếc có công suất từ 90CV trở lên để đề nghị Chính phủ hỗ trợ xăng dầu và bảo hiểm thuyền viên. Nếu được hỗ trợ, đây sẽ là liều thuốc kích thích, giúp ngư dân tiếp tục bám biển, giữ ngư trường” - ông Lộc nói.
Ông Đỗ Duy Vinh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên, cho biết hiện tại giá cá ngừ đại dương được tư thương thu mua rất thấp, chỉ từ 100.000 - 125.000 đồng/kg. “Cá khan hiếm thì họ mua giá cao, còn khai thác được nhiều thì họ lại ép giá xuống thấp” - ông Vinh nói.
Trung tá Nguyễn Văn Mỹ, Hải đội trưởng Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết nhằm bảo vệ ngư dân đánh bắt an toàn trên vùng biển Quảng Nam, đơn vị này đã tăng cường tuần tra 24/24 giờ với 6 tàu được trang bị đầy đủ lương thực, vũ khí cùng 100% quân số luôn sẵn sàng phản ứng trước mọi tình huống xấu.
Theo ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, trong những năm qua, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho ngư dân như: cấp máy ICOM; đào tạo miễn phí thuyền trưởng, máy trưởng; hỗ trợ dầu; hỗ trợ kinh phí cho những tàu cá bị ảnh hưởng bởi thiên tai; hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên…
Sẽ đề xuất cho ngư dân vay vốn không hạn chế
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngư dân và đẩy mạnh việc đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá như nơi neo trú đậu, tránh trú bão, cảng cá…
Về trường hợp của “sói biển” Mai Phụng Lưu (huyện Lý Sơn - Quảng Ngãi) đang khát khao được ra biển nhưng không còn tàu vì bị phía Trung Quốc bắt giữ trái phép, ông Thắng cho biết đã kiến nghị Nhà nước và các ban, ngành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết bên cạnh những hỗ trợ đã được áp dụng, bộ đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ có thêm hỗ trợ để ngư dân bám biển, duy trì sản xuất.
Thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân
Trong tuần này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xúc tiến thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Theo ông Phùng Đình Toàn, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, quỹ này được thành lập trên cơ sở xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân là chính. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ trích một phần ngân sách. “Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân về vốn vay, về thiệt hại khi bị Trung Quốc bắt giữ thì cả làng chúng tôi sẽ bám biển để vừa đánh bắt vừa khẳng định chủ quyền của Việt Nam” - nhiều ngư dân khẳng định. L.V.Chương |
Bình luận (0)