Gấu trên 100 kg chui lọt lỗ sắt gang tay?
Nhìn những chiếc móng chân nhọn hoắt của con gấu, càng thấy hiểm họa vẫn chực chờ khi một nhóm con nít vô tư đến sát lồng để xem gấu nhưng chẳng có ai nhắc nhở, bảo vệ. Người dân ở đây cho biết thêm, cặp gấu này đã được ông Lục nuôi từ nhiều năm nay và khách nhậu thường tới coi gấu mỗi khi tới quán nhậu này. Người đàn ông bán quán ở đây chỉ chiếc lồng sắt trống ở giữa 3 chiếc lồng cho biết, con gấu đã chui qua lỗ sắt này và chạy vào rừng tầm vông của Khu Du lịch Đại Nam ẩn náu. Tuy nhiên, con gấu nặng trên 100 kg không thể nào chui lọt song sắt chỉ rộng khoảng 20 cm. Một số người ở gần nơi nuôi gấu thì hoài nghi, có thể trong quá trình gây mê để lấy mật, con gấu đã tỉnh và chạy thoát chứ không phải sổng chuồng.
Chủ nuôi nói đã báo vụ gấu sổng chuồng từ ngày 16-6 nhưng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đến ngày 21-6 mới được thông báo |
Theo chúng tôi, nếu đúng con gấu chui lọt qua song sắt, chứng tỏ chiếc lồng sắt này không bảo đảm an toàn. Song trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tràng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bình Dương, cho rằng song sắt ở chuồng nuôi gấu này bảo đảm yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, ông Tràng không biết nguyên nhân vì sao gấu sổng chuồng.
Chậm xử lý
Theo ông Nguyễn Văn Lục, khoảng 3-4 giờ chiều ngày 16-6, ngay khi con gấu sổng chuồng, ông đã gọi điện thoại cho trưởng Công an xã Hiệp An và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương để thông báo. Sau đó ông mới huy động nhân viên đi tìm con gấu. Tuy nhiên, ông Tràng cho rằng đến ngày 21-6, khi ông Lục và nhân viên thú y bị con gấu tấn công, con của ông Lục mới báo cáo vụ việc cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương. Tức đến ngày 21-6, chi cục mới nhận được tin báo gấu sổng chuồng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, khi gấu sổng chuồng ông Lục và nhân viên không thông báo ngay cho cơ quan chức năng mà tự đi tìm con gấu để bắn thuốc gây mê bắt về. Tuy nhiên, do bắn hụt nên con gấu đã quay lại tấn công hai người.
Trong khi đó, theo bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đến ngày 21-6 mới nhận được báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương. “Ngay trong ngày hôm đó tôi đã gọi điện báo cáo vụ việc với Cục Kiểm lâm VN, Bộ NN-PTNT để xin ý kiến. Có hai phương án được đưa ra: Một là, dùng súng bắn gây mê để bắt giữ; hai là, phải bắn chết. Tuy nhiên, do con gấu trốn trong khu vực có công nhân đang làm việc nên phải cân nhắc kỹ việc bắn gấu vì sợ lạc đạn” - bà Vân nói. Theo bà Vân, hiện tỉnh Bình Dương có khoảng 30 cơ sở nuôi gấu với số lượng 290 con và tất cả đều đã được gắn chip để quản lý.
PGS-TS HÀ ĐÌNH ĐỨC, HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VN: Phải có phương án xử lý nhanh gấu sổng chuồng Việc gắn chip chỉ nhằm giúp cơ quan quản lý biết được số gấu trên địa bàn bao nhiêu, có bị bán đi nơi khác hay không. Khi gấu sổng chuồng, qua thiết bị kỹ thuật cơ quan quản lý sẽ biết được con đang gấu ở đâu để tìm kiếm. Tuy nhiên, việc gắn chip chỉ để phục vụ quản lý, còn chuồng trại, khu vực nuôi là yếu tố để bảo đảm an toàn. Nếu chuồng trại không bảo đảm thì gấu sẽ sổng ra tấn công người. Do đó, ngoài giám sát kỹ về chuồng trại, cơ quan chức năng cũng có phương án xử lý nhanh khi gấu sổng chuồng. T.Thanh ghi |
Đã xảy ra vụ gấu nuôi cắn chết chủ Chuyện đau lòng đã xảy ra tại Thủ Đức, TPHCM vào tối 7-10-2005. Trong lúc cho gấu ăn, ông T.T.L (73 tuổi) đã bị con gấu nặng trên 1 tạ do chính gia đình ông nuôi cắn chết tại chỗ. Theo người nhà của nạn nhân, cũng như những ngày khác, vào giờ nói trên, ông L. mở cửa chuồng và vứt thức ăn cho gấu. Tuy nhiên, có lẽ con gấu quá đói nên khi ông L. vừa mở chuồng, nó liền chồm ra cắn chết ông chủ. Tại hiện trường, thân thể ông L. bị gấu xé, mình mẩy dập nát. Trong lúc ông L. bị gấu tấn công, người cháu của ông nhảy vào cứu cũng bị gấu giật nát một cánh tay. Sau khi giết chết chủ, con gấu chạy ra ngoài vườn nhưng vì tường cao nên nó không thể chạy ra ngoài; lực lượng quân đội phải mất hơn nửa giờ và bắn 4 phát đạn gây mê mới hạ được con gấu nổi điên. Nh.Nam |
Bình luận (0)