Là người trả lời chất vấn đầu tiên trong phiên chất vấn tại Quốc Hội (QH) trong sáng 17-11, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định nợ công đang được kiểm soát theo lộ trình và chỉ dành để đầu tư cho phát triển. Các chính sách của Chính phủ và Quốc hội đã đúng hướng vì tổng thu ngân sách vẫn tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010.
Bộ trưởng cũng hứa sẽ kiên quyết nợ công chỉ chi đầu tư phát triển, quản lý chặt chẽ khoản vay. Ngoài ra, “tư lệnh” ngành Tài chính cũng cho biết trong khoản gần 70.000 tỉ đồng tiền thuế thì đã thu 32.000 tỉ, còn 34.000 tỉ sẽ thu được sắp tới.
Đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách
Dù đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, song các đại biểu (ĐB) bên hành lang QH tỏ ra khá lo lắng về việc nếu không sử dụng hợp lý vốn vay thì nguy cơ vỡ nợ, đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách:
Dùng vốn không hiệu quả, nợ công tăng nhanh!
Về việc trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tôi cho rằng đó là sự trình bày các vấn đề một cách tổng quan, thẳng thắn nhìn vào các vấn đề bất cập. Tôi đánh giá cao việc này. Bộ trưởng không chỉ nhìn thẳng vào những thành tích đã được khẳng định rồi mà quan trọng hơn là nhìn thẳng vào những vấn đề bất cập và chỉ rõ những nguyên nhân ngọn nguồn của nó, có cam kết phải ngăn chặn cái tình trạng này ở cấp độ nào, có thời hạn nào… Với thời lượng cho phép thì tôi cho rằng Bộ trưởng Dũng cũng đã trình bày một cách rất rõ các vấn đề nóng đang đặt lên. Đặc biệt là vấn đề cân đối ngân sách, vấn đề tăng dư nợ công.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn đặt ra không phải là tăng nợ công, không chỉ là mất cân đối ngân sách nhà nước lớn trong nhiều năm mà quan trọng là quản lý sử dụng nguồn tài chính công như thế nào, có thật sự có hiệu quả không? Nếu không giải quyết đảm bảo được thì nguy cơ vỡ nợ hoặc mất ổn định an ninh tài chính quốc gia còn lớn hơn nhiều. Chất lượng sử dụng các nguồn vốn là trọng tâm mà Chính phủ cần tập trung xử lý, trong đó có nguồn vốn vay. Cần rà soát lại cơ quan có trách nhiệm phân bổ, xây dựng dự án, trước hết là cơ quan Chính phủ. Các bộ ngành như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chính quyền địa phương sử dụng vốn vay lớn phải có dự án hết sức cụ thể, cấp bách, hiệu quả. Trên tinh thần đó mới đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn vay của cả nước hiệu quả.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):
Kiên quyết không vay nợ để “ăn” đi
Chúng tôi đánh giá rất cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính với việc phân tích rất sâu nền tài chính nước nhà gồm 5 nhóm vấn đề như: vấn đề sử dụng tài chính công, thu thuế, vay vốn nước ngoài, đầu tư... Chúng tôi cũng đánh giá rất cao sự cố gắng về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ngành hải quan, thu thuế, đã giải quyết được nhiều vấn đề về thủ tục, thời gian. Thu thuế cũng giảm được thời gian, chất lượng thu thuế thì còn nợ đọng nhiều. Cái này có nguyên nhân như đã phân tích và Bộ trưởng đã hứa sẽ thu được nợ 34.000 tỉ đồng. Những điều này thì có thể yên tâm.
Nhưng có điều mà chúng tôi thấy không yên tâm là vay nợ nước ngoài. Vay nợ nước ngoài chúng ta phải kiên quyết không phải vay để "ăn" đi mà vay để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Nếu vay để “ăn” đi hoặc vay để đáo nợ thì là vấn đề cần hết sức nghiên cứu. Đặc biệt, khi chúng ta bỏ đồng tiền ra thì phải xem chất lượng công trình đầu tư như thế nào, thời gian ra sao, hay là bị thất thoát đi? Đây là biện pháp quan trọng. Bộ Tài chính là cơ quan kiểm soát đồng tiền thì phải cùng với cơ quan khác giám sát chặt chẽ khi đồng tiền đi ra đầu tư thì thi công công trình, mua sắm… có đảm bảo thời gian hay không, hiệu quả đồng vốn như thế nào, thất thoát bao nhiêu phần trăm?
Bình luận (0)