Sáng 3-3, Báo Người Lao Động, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM đã tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “TNGT nghiêm trọng liên tiếp: Nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu”.
Chống mãi lộ bằng cách nào?
PGS-TS Phạm Bích San, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, cho rằng nước ta cần học tập các nước tiên tiến về ý thức tham gia giao thông không phải là một trò chơi mà phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật.
Theo ông San, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân đang có vấn đề. Khi có việc gì xảy ra, đối diện với CSGT thì câu đầu tiên vẫn là “xin các anh thông cảm”, tức là có yếu tố “xin” và có thể “được”. Trong khi trên thế giới, luật là luật, ai cũng phải biết và tuân thủ.
Mặt khác, về người tổ chức giao thông, chúng ta không thể mang cách quản lý nông thôn áp vào đời sống đô thị. Ở nhiều khu vực nông thôn, việc quản lý còn theo họ hàng, thân tộc, cộng đồng, dựa trên sự quen biết lẫn nhau. Còn quản lý đô thị là quản lý theo chức năng đòi hỏi mỗi người thực hiện đúng chức năng của mình. Thực tế vẫn còn nể nang, du di khi quản lý giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng để biết CSGT có nhận mãi lộ hay không, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức thanh - kiểm tra phát hiện những hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ; đồng thời luôn tiếp nhận những phản ánh của người dân, các phương tiện thông tin đại chúng về những vi phạm quy định, điều lệ thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với việc phòng chống tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, cũng nên thường xuyên khen thưởng đối với cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ.
Cấp bằng lái ô tô quá dễ
Theo chuyên gia Phạm Bích San, kỹ năng lái ô tô cũng là điều đáng báo động vì tình trạng đào tạo lái xe đại trà và quá dễ dàng cấp bằng. Đây là vấn đề nhức nhối trong hệ thống giáo dục nói chung và đào tạo lái xe nói riêng.
Kể về việc đi học lái xe 10 năm trước của mình, ông San cho biết chỉ là một nhóm túm tụm lại với nhau trên một chiếc xe, thời gian được lái thực tế mỗi buổi có lẽ không quá 15 phút, sau đó là ăn trưa và tất nhiên có “uống” một chút.
“Chừng ấy không đủ để có khả năng xử lý được các tình huống trên đường. Điều ngạc nhiên nhất là cả khóa chúng tôi đều có bằng lái xe. Vì vậy, nếu có các vấn đề vi phạm ATGT cũng là điều dễ hiểu. Phần nhiều các vụ tai nạn do kỹ năng lái xe kém dẫn đến không làm chủ được tay lái, không xử lý được tình huống” - ông San nêu vấn đề.
Dẫn ví dụ một tình huống học lái xe ở nước ngoài, ông San kể: “Một người đi thi lấy bằng, đang lái ô tô để kiểm tra kỹ năng, bỗng nhiên giáo viên hô “Dừng lại!” và anh ta dừng lại ngay. Sau đó, người này bị đánh trượt vì không tuân thủ nguyên tắc là người lái xe phải làm chủ phương tiện của mình, chứ không tuân thủ máy móc theo mệnh lệnh của người khác”.
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong những năm qua, cùng với các bộ, ngành, địa phương, ngành giao thông vận tải đã luôn quan tâm hoàn thiện chương trình, thủ tục đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở đào tạo và một bộ phận những cán bộ sát hạch chưa thực hiện nghiêm các quy định, buông lỏng, dễ dãi nhằm thu hút học viên.
“Đối với những tổ chức, cá nhân này, ngành giao thông vận tải đang thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - ông Hùng khẳng định.
“Ma men” chạy xe: Xử thật nghiêm!
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, tài xế sử dụng rượu bia, ma túy mà điều khiển phương tiện giao thông rất nguy hiểm cho cộng đồng, gây hậu quả nghiêm trọng.
PGS-TS Phạm Bích San cũng khẳng định uống rượu bia là nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, người Việt Nam dường như đang quá coi thường tính mạng bản thân cũng như tính mạng của người khác. Vì vậy, cần có biện pháp giáo dục để tạo nên các chuẩn mực khi tham gia giao thông cho toàn dân và đây là việc làm cần phải có thời gian. Trong khi chờ đợi, dứt khoát phải có chế tài cực kỳ nghiêm khắc với những ai đã uống rượu bia mà tham gia giao thông” - ông San nói.
Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT quá nhiều là ý thức tham gia giao thông kém và dân ít hiểu biết về luật giao thông.
Dẫn ví dụ vụ ô tô tông chết 3 người trên phố Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội, ông Hùng cho biết người điều khiển xe gây tai nạn không có bằng lái nhưng vẫn cố tình lái xe hay như vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đều xảy ra trong ngày 29-2), lái xe đi ngược chiều.
“Họ biết hành vi của mình vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện với niềm tin rằng có thể sẽ không xảy ra tai nạn và hành vi vi phạm không bị pháp luật trừng trị” - ông Hùng nói.
Bàn về giải pháp, ông Hùng cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân xây dựng văn hóa giao thông; đồng thời tăng cường xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm. Đối với những người gây ra các vụ TNGT kể trên, cần truy tố trước pháp luật để xem đó là một bài học giáo dục chính bản thân họ và cảnh báo những người tham gia giao thông.
Theo ông Hùng, cả hệ thống chính trị đã, đang và sẽ vào cuộc thực hiện 6 nhóm giải pháp căn bản nhằm kéo giảm TNGT từ 5%-10% đối với cả 3 tiêu chí. Cụ thể là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, chế tài xử lý vi phạm; chú trọng đến công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện và nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT; xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ý thức chấp hành luật giao thông.
Số người chết gia tăng
Chiều 3-3, trên đường Hồng Hà (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chiếc taxi 4 chỗ đã tông 1 cụ bà đang đứng bên đường cho cháu bé 3 tuổi ăn. Hậu quả, cụ bà bị cán chết tại chỗ, còn cháu bé trọng thương.
Trước đó, sáng cùng ngày, trong lúc đi bộ băng qua đường ray ở khu vực phường An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bà Nguyễn Thị Hường (72 tuổi, ngụ phường An Cựu) đã bị tàu hỏa hành trình theo hướng Bắc - Nam tông chết.
Theo thống kê của Cục CSGT - Bộ Công an, trong năm 2015, cả nước ghi nhận 22.827 vụ TNGT làm 8.727 người chết và 21.069 người bị thương. Trong 2 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 3.618 vụ TNGT, làm chết 1.590 người, bị thương 3.367 người. So với cùng kỳ của năm 2015, số người chết đã tăng 23 người.
N.Hưởng - Q.Nhật - V.Duẩn
Hà Nội xử lý học sinh phạm luật giao thông
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP Hà Nội ngày 3-3 tiếp tục xử lý tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự ATGT như: vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ sai quy định…
Nhiều học sinh tỏ ra bất ngờ khi bị xử lý vi phạm giao thông. Phần lớn các em không đội mũ bảo hiểm hoặc chở quá tải, vi phạm làn đường… và đều viện lý do sợ muộn học hay mượn xe bạn để xin được bỏ qua. CSGT đã ghi lại địa chỉ nơi ở, trường học của các em rồi kết hợp nhắc nhở và lập biên bản cảnh cáo, gửi thông báo cho nhà trường để giáo dục, răn đe.
Theo kế hoạch, các tổ công tác sẽ hoạt động từ 4-24 giờ trên các tuyến đường nội thành. Trong đó, bố trí ca công tác từ 4-6 giờ hằng ngày để tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ tại các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu giao thông. Thống kê trong 2 ngày (1 và 2-3), các đơn vị thuộc Phòng CSGT đã xử lý 392 trường hợp vi phạm. N.Quyết - N.Hưởng
Bình luận (0)