Các cung đường ra vào TP HCM đang quá tải nên dù bất kỳ sự cố nào xảy ra cũng có thể gây ùn tắc trên cả trục đường. Thực tế này đang diễn ra mỗi ngày nhưng các cơ quan chức năng cũng... chào thua!
Va quệt nhỏ cũng ùn tắc nghiêm trọng
Cầu Phú Mỹ được xem là cây cầu huyết mạch kết nối giữa Đông và Tây khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Thế nhưng, mỗi khi tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thì cây cầu này lập tức tê liệt, dù đó là va chạm nhỏ hay lớn. Cụ thể, vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 2-7, một chiếc xe đầu kéo chở container lưu thông trên cầu Phú Mỹ, khi đổ dốc từ quận 7 qua quận 2 bất ngờ quệt trúng chiếc ô tô 7 chỗ đi cùng chiều. Vụ tai nạn không gây thương vong về người nhưng làm 2 phương tiện bị hư hỏng và chắn ngang làn ô tô trên cầu.
Ở vụ TNGT trên, có mặt tại hiện trường, phóng viên Báo Người Lao Động chỉ có thể dùng đúng hai từ để miêu tả. Đó là “tê liệt”. Xe cộ các loại xếp hàng dài cả cây số không nhúc nhích. Ngoài những người đi xe máy nôn nóng leo lề để di chuyển thì các tài xế ô tô, nhất là xe tải đông lạnh liên tục vái trời và sau đó là lầm rầm chửi bậy. Họ bức xúc cũng phải bởi hàng hóa đông lạnh không thể chờ lâu được. Vừa trễ giờ giao hàng, vào cảng vừa tăng nguy cơ hư hỏng khi thời gian bảo quản kéo dài.
Hai chiếc xe chỉ hư hỏng nhẹ sau vụ va chạm ngày 2-7 trên cầu Phú Mỹ...
... nhưng lại ùn ứ hơn 1 giờ trên cầu, khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Gia Minh
“Tôi thường xuyên chạy xe qua cầu Phú Mỹ và nhận thấy hễ xảy ra TNGT hay một sự cố nào trên cầu là sẽ gây ùn tắc nghiêm trọng. Chứng kiến vụ tai nạn trên cây cầu này hôm 2-7, thấy việc giải quyết vụ tai nạn kéo dài hơn 1 giờ là khó có thể chấp nhận bởi lượng xe qua cầu quá đông khiến ùn tắc kéo dài, ai cũng mệt mỏi và bức xúc” - anh Nguyễn Văn Thành, một tài xế xe container, bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ riêng khu vực cầu Phú Mỹ xảy ra ùn tắc sau mỗi vụ TNGT mà chỉ tính trong nửa đầu năm 2016, hàng loạt tuyến đường khác cũng phải chịu chung cảnh ngộ như xa lộ Hà Nội (qua địa bàn các quận 2, 9 và Thủ Đức); Mai Chí Thọ (quận 2); Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình); nút giao thông ngã tư An Sương (quận 12); Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn quận 12, quận Bình Tân)… Đây là những tuyến đường được xem là huyết mạch vào các khu công nghiệp, cụm cảng, sân bay… nên kẹt xe đã gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kẹt xe là do hầu hết các tuyến đường tại TP hiện đã quá tải, không đủ đáp ứng lưu lượng xe ngày một tăng. Do đó, chỉ cần xảy ra một sự cố bất kỳ cũng có thể làm ảnh hưởng đến toàn tuyến đường, dễ thấy nhất là tình trạng kẹt xe. Tùy mức độ nghiêm trọng của sự cố, lực lượng chức năng phải thực hiện công tác khám nghiệm, xử lý hiện trường theo đúng quy trình. Tuy nhiên, công tác này thực hiện càng lâu thì đồng nghĩa với việc ùn tắc sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Cần điều chỉnh quy trình
Theo Ban An toàn Giao thông TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình TNGT trên địa bàn TP tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng nói là có đến 50% số vụ TNGT đã gây ra tình trạng ùn ứ ở các tuyến đường thuộc địa bàn TP.
Một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết theo quy định hiện nay, trường hợp nếu xảy ra TNGT có thương vong về người trên địa bàn quản lý, nhiệm vụ của CSGT đầu tiên là cứu người bị nạn rồi sau đó bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông… Trong trường hợp các phương tiện va chạm nhau, không gây thương vong về người, lực lượng này phải đánh dấu hiện trường để các cơ quan chức năng đến thu thập thông tin phục vụ điều tra.
Dù vậy, vị lãnh đạo trên cho rằng nhiều vụ tai nạn không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tài xế các xe tranh cãi, không thỏa thuận đưa xe ra khỏi hiện trường đã gây ra tình trạng kẹt xe. Với những trường hợp này, lực lượng CSGT phải can thiệp kịp thời để phân luồng giao thông và khẩn trương di dời các phương tiện khỏi hiện trường để giảm ùn ứ. “Tôi thừa nhận việc bảo vệ hiện trường để phục vụ điều tra đôi lúc tốn nhiều thời gian, gây ra tình trạng kẹt xe, nhất là các tuyến đường có mật độ giao thông cao; đồng thời, ở nhiều vụ tai nạn, tài xế của phương tiện có liên quan đóng cửa xe rồi bỏ đi khiến lực lượng CSGT phải dùng xe cẩu giải tỏa hiện trường” - vị lãnh đạo nói trên cho biết.
“Có nhiều vụ va quệt nhỏ, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng xảy ra ở những nút giao thông trọng điểm thì lực lượng chức năng, mà cụ thể ở đây là CSGT, các đội xử lý tai nạn… cần linh hoạt hơn trong việc giải quyết hiện trường để rút ngắn thời gian, tránh làm ảnh hưởng đến giao thông toàn tuyến” - TS Nguyễn Hữu Nguyên kiến nghị.
Mất 1,2 tỉ USD/năm vì ùn tắc
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho biết thiệt hại do ùn tắc giao thông ở Việt Nam mỗi năm vào khoảng 1,2 tỉ USD. Riêng số tiền khắc phục do TNGT gây ra như chết người, bị thương, hư hỏng phương tiện, nhà cửa…, mỗi năm ở Việt Nam tốn khoảng 2 tỉ USD; chưa kể tài chính nuôi trẻ em do cha mẹ chết vì TNGT đến tuổi trưởng thành thì số tiền này còn lớn hơn rất nhiều.
Bình luận (0)