Ngày 28-2, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014.
CPI thấp so với nhiều năm
Thủ tướng nhận định trong 2 tháng đầu năm, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực. Trong dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng chiếm lĩnh thị trường, giá cả trong và sau Tết khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm đều tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Về các nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội và TP HCM, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với các DN nhà nước, dứt khoát phải tạo được chuyển biến về tái cơ cấu DN trong năm 2014.
Báo cáo trước Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đánh giá với tình hình kinh tế vẫn giữ như hiện nay, lãi suất cho vay có thể giảm 1%-2%/năm. Tuy nhiên, theo ông Bình, vấn đề nan giải là hiện tại nguồn vốn vẫn đang bị ách tắc, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm 1,6%. Trong khi đó, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng lại tăng 0,83%. Ông Nguyễn Văn Bình đề xuất 1 khoản tín dụng thí điểm cho phát triển nông nghiệp và nông thôn nhằm ứng dụng khoa học - công nghệ, mô hình sản xuất mới và tăng trưởng. “Chương trình thí điểm triển khai trong quý I/2014. NHNN sẽ phối hợp, thiết kế gói cho vay có thời hạn, khối lượng và lãi suất vay phù hợp” - ông Bình nói.
Bơm tiền cho nền kinh tế
Theo Thống đốc Bình, trong 2 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối tăng thêm 4 tỉ USD. Đáng chú ý, dịp cuối năm, lượng tiền đổ về ngân hàng thương mại rất lớn nhưng NHNN đã có phương án hút tiền để chặn “thói quen” ngân hàng dùng tiền dư “ôm” ngoại tệ, gây áp lực lên tỉ giá. Theo ông Bình, sau 10 năm, đây là lần đầu tiên một lượng tiền mặt lớn được cung ra cho nền kinh tế nhằm bảo đảm thanh khoản. Con số được bơm ra trong tháng 1-2014 lên tới 150.000 tỉ đồng.
Thủ tướng cảnh báo việc đưa ra 80.000 tỉ đồng mua dự trữ 4 tỉ USD thì cũng phải có phương án thu tiền lại, ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát. Đồng ý với đề xuất của NHNN, Thủ tướng giao cơ quan này phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai gói tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Phải thiết kế thời hạn, số lượng, lãi suất vay hợp lý để thúc đẩy sản xuất, giảm chi phí và tăng cạnh tranh của nông sản” - Thủ tướng chỉ đạo.
Giá bất động sản vẫn còn cao
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đối với dự án nhà ở thương mại, có thể áp dụng hình thức liên kết để ngân hàng cho vay từ khâu mua sắm nguyên vật liệu để hoàn thiện dự án. “Trước mắt, NHNN sẽ cùng các hiệp hội, doanh nghiệp vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM triển khai thí điểm” - ông Bình cho biết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng: “Khó khăn của thị trường bất động sản là do giá nhà đất cao. Vì vậy, đối với các dự án đang cầm cố ngân hàng, đang tồn kho, cần thuê kiểm toán độc lập xác định giá chính xác. “Chủ đầu tư bất động sản toàn đại gia, đi xe Phantom thì giải cứu cái gì? Bất động sản giảm giá mạnh thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được” - ông Thăng đề xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong 2 tháng đầu năm, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc, giao dịch tiếp tục tăng tại 2 thành phố lớn, trong đó tại Hà Nội có 1.294 giao dịch thành công, gấp 2 lần năm 2013. Tồn kho bất động sản giảm còn 92.690 tỉ đồng.
Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây không phải là gói trực tiếp giải cứu bất động sản mà chỉ là hỗ trợ nhà ở cho người khó khăn, người thu nhập thấp, qua đó có tác động nhất định đến thị trường bất động sản nói chung. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân gói này hiện vẫn chậm vì nguồn cung nhà thiếu. “Mỗi hộ dân, nếu vay khoảng 500 triệu đồng để mua nhà thì để giải ngân 70% gói này, tương đương khoảng 20.000 tỉ đồng, cần có khoảng 40.000 căn hộ, trong khi hiện nay mới cung cấp được 2.000 căn. Không có nhà thì lấy đâu ra để giải ngân” - ông Dũng phân tích.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu tới đây, phải làm rõ mục đích, ý nghĩa cũng như quy trình giải ngân của gói 30.000 tỉ đồng bởi ngay các chuyên gia cũng không hiểu được gói này, họ cho là để cứu bất động sản.
Kiểm tra việc tăng giá sữa
Tại phiên họp Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lo ngại quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm hại khi các doanh nghiệp sữa liên tục thông báo tăng giá. “Cùng thời điểm, các doanh nghiệp sữa lớn như Mead Johnson, Nestle, FrieslandCampina ... cùng tăng giá. Như vậy, có hay không việc những doanh nghiệp này liên kết để tăng giá, vi phạm Luật Cạnh tranh?” - ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Trước nghi vấn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ Tài chính, Công Thương kiểm tra xem có dấu hiệu liên kết, tăng giá sữa bất hợp lý hay không.
Bình luận (0)