Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình trình bày báo cáo tại hội nghị - Ảnh: Kiên Thành
Sáng nay 4-3, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017.
Hội nghị lần này có sự tham dự của nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, lần đầu tiên được kết nối trực tuyến tới 73 điểm trên toàn quốc.
Bổ nhiệm không "trúng" người, "đúng" việc gây bức xúc...
Trình bày báo cáo tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, theo đại diện Ban Tổ chức Trung ương, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở.
"Còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên sợ cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm; còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên”- ông Bình nhấn mạnh.
Trịnh Xuân Thanh được dẫn làm ví dụ về tồn tại, hạn chế trong công tác bổ nhiệm cán bộ
Dẫn ví dụ nổi cộm về tồn tại, hạn chế trong công tác nhân sự, báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: “Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện 'đúng' quy trình nhưng vẫn không chọn 'trúng' người, 'đúng' việc, gây bức xúc trong xã hội như các trường hợp Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy…”.
Nêu lên hàng loạt những vấn đề còn tồn tại, báo cáo do ông Nguyễn Thanh Bình trình bày đặt vấn đề: “Tình trạng trên phải chăng là do: còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự? Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm? Công tác quản lý hồ sơ và thẩm định hồ sơ còn đơn giản, chủ quan? Công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, theo dõi và quản lý cán bộ còn lỏng lẻo? Phân cấp quản lý cán bộ còn chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa? Có tiêu cực, thao túng trong công tác cán bộ?”.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Tổ chức tập trung thực hiện trong năm 2016 là chủ động tham mưu cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”.
Việc thực hiện nghị quyết tiếp tục tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị; góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực và xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm; khắc phục, sửa chữa được một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ.
Ban Tổ chức đã tham mưu xây dựng nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, với quan điểm kết hợp giữa “xây” và “chống”, nhưng lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, lấy chống là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách; coi trọng cả “đức trị” và “pháp trị” nhưng đề cao “pháp trị”.
Cơ chế kiểm soát quyền lực
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Ban Tổ chức Trung ương đặt mục tiêu tiêu kiên quyết khắc phục những yếu kém và giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cụ thể, ngành Tổ chức sẽ tham mưu xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, bảo đảm khi đã giao quyền thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực; quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Tham mưu xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng “lượng hóa”, gắn với chất lượng công tác, nhất là việc ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền lương, nhà ở, tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác... bảo đảm sự thống nhất về chính sách cán bộ giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước.
Hội nghị được tổ chức tại Hội trường Bộ Quốc phòng
Tập trung xây dựng Đề án về chính sách nhà ở cho cán bộ trong hệ thống chính trị theo hướng “nhiều chủ thể” tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước; tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng công khai, minh bạch, công bằng...
Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ, trọng tâm là đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ theo hướng thực chất, trọng dụng nhân tài. Khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh, tâm tư, so bì trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, tham mưu sơ kết công tác luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 và tham mưu xây dựng Quy định về công tác luân chuyển cán bộ. Hướng dẫn rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; kịp thời tham mưu kiện toàn nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ quản lý ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tham mưu xây dựng Đề án “Xây dựng đội ngũ chuyên gia các cơ quan Trung ương”. Phối hợp hướng dẫn thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Tham mưu quy định về việc phân cấp thi nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức khối Đảng, đoàn thể cho các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đáng chú ý, ngành Tổ chức sẽ tham mưu tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đảng viên làm kinh tế tư nhân; hướng dẫn về việc thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng và Chỉ thị của Ban Bí thư khoá X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn về nội dung sinh hoạt chi bộ.
Thẩm tra, xác minh, xem xét, kết luận vấn đề chính trị của cán bộ, đảng viên theo nội dung Quy định số 57-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Giải quyết kịp thời, chính xác những trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên; chú trọng giải quyết vấn đề chính trị hiện nay. Sửa đổi, bổ sung Quy định về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; chính sách sử dụng và quản lý cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị.
Bình luận (0)