Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Kéo giảm 10% giá thuốc
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định việc mua biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo việc kê đơn thay thế các biệt dược gốc đã hết bản quyền bằng thuốc generic thuộc nhóm 1 có nhiều số đăng ký theo danh mục do Bộ Y tế công bố. Lý do được Chính phủ đưa ra là gần đây, công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có nhiều đổi mới, giảm được giá thuốc thuộc nhóm generic tới 35%. Việc quản lý giá biệt dược trong đấu thầu thuốc chưa được triển khai hiệu quả.
Hiện có hàng trăm loại biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ và có thuốc generic được chứng minh tương đương sinh học với biệt dược gốc đáp ứng yêu cầu điều trị theo tiêu chuẩn cao nhất được các nước tham gia ICH (nhóm 1- gồm các nước thuộc EU, Nhật, Mỹ...) áp dụng. Trong số này, nhiều loại thuốc đã có 2 đến 3 số đăng ký với giá rẻ hơn nhiều so với biệt dược, trong khi chi phí mua các loại biệt dược này rất lớn. Yêu cầu sửa quy định mua biệt dược gốc lần này của Phó Thủ tướng hướng đến mục tiêu giảm 10% giá thuốc.
Một đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết trong cơ cấu sử dụng thuốc chung của cả nước, nhóm biệt dược gốc chiếm khoảng 40%, tỉ lệ biệt dược nhóm 1 chiếm 25%. Tại các bệnh viện tuyến cuối, 60%-80% thuốc được sử dụng là biệt dược gốc và biệt dược nhóm 1. Theo nhiều bác sĩ, hầu hết các loại biệt dược gốc được nghiên cứu tỉ mỉ, công nghệ sản xuất hiện đại nên hiệu quả điều trị rất tốt.
Giải thích lý do cùng hoạt chất nhưng biệt dược gốc bao giờ cũng được “tín nhiệm” hơn, một dược sĩ cho rằng bởi đó là biệt dược của nhà phát minh ra dược chất generic. Trong khi đó, thuốc generic chỉ là thành phẩm tương đương sinh học với biệt dược gốc về dược động học và dược lực học được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ. Từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã công bố hơn 1.100 loại biệt dược gốc của nhiều quốc gia như: Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha... Hiện danh mục biệt dược gốc này vẫn được Bộ Y tế cập nhật liên tục. Theo dược sĩ này, dù cùng hoạt chất nhưng dẫn chất trong quá trình bào chế biệt dược gốc được coi là bí mật công nghệ. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc generic chỉ có thể sản xuất ra thuốc gần giống với biệt dược gốc về hoạt chất chính; còn dẫn chất, tá dược thì phải tự nghiên cứu để thuốc đạt hiệu quả và tương đương sinh học thuốc phát minh. Đó là chưa kể nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc generic cũng như tiêu chuẩn công nghệ thực hành thuốc tốt (GMP) WHO và GMP ASEAN cũng có sự khác nhau” - một dược sĩ chia sẻ.
Chỉ định phải tùy bệnh
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết trước đó có tình trạng một tên thuốc gốc nhưng rất nhiều loại thuốc trúng thầu nên năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc có chất lượng đặc biệt để khi đấu thầu chỉ trúng một tên thuốc. Điều này không chỉ giúp giảm giá thuốc mà còn tránh tình trạng lộn xộn vì quá nhiều loại thuốc cùng một hoạt chất. Tuy nhiên, theo ông Sơn, do tiêu chí đưa thuốc vào danh mục biệt dược gốc ngày càng mở rộng có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát và quản lý. Ngoài ra, tạo cho biệt dược gốc một sân chơi “độc quyền”, tức là chỉ thuốc đó và hãng A hoặc B của nước ấy mới có tên thuốc được bảo hộ. “Biệt dược gốc đăng ký giá kê khai với cơ quan quản lý thế nào họ bán như thế và vì độc quyền, không ai cạnh tranh về giá nên gần như chắc chắn trúng thầu. Thực tế đã chứng minh cùng 1 hoạt chất nhưng giá của biệt dược gốc với giá của thuốc generic cao gấp 5-7 lần, gây lãng phí tiền của người dân” - ông Sơn nói.
Tuy nhiên, dưới góc độ điều trị, nhiều bác sĩ cho rằng thuốc generic chỉ nên dùng cho những bệnh ít nguy hiểm, còn các bệnh viện tuyến cuối đặc thù là tuyến điều trị cuối, tình trạng kháng thuốc gia tăng, nhiều loại thuốc kháng vi sinh vật cũ đã bị giảm hoặc mất tác dụng điều trị với rất nhiều mầm bệnh, đòi hỏi phải sử dụng các thuốc mới, biệt dược gốc. “Với những bệnh có tình trạng nặng, nguy kịch thì đòi hỏi phải sử dụng các thuốc có độ tin cậy cao. Các biệt dược gốc đã được chứng minh hiệu quả điều trị rõ ràng nên thường là lựa chọn trong trường hợp này” - một bác sĩ bày tỏ.
TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng bác sĩ phải kê đơn thuốc theo bệnh; những bệnh nặng, đặc biệt phải có thuốc đặc biệt. “Chúng ta không phủ nhận vai trò của biệt dược gốc nhưng thuốc này chỉ đúng, tốt, phát huy tác dụng nếu được dùng đúng chỉ định; còn kể cả thuốc generic hay biệt dược gốc nếu không dùng đúng thì lãng phí, thậm chí bệnh nhân phải trả giá cho tác dụng phụ mà thuốc gây ra. Do đó, ngoài vấn đề kỹ thuật, bác sĩ sẽ cân nhắc tình trạng bệnh để chỉ định những loại thuốc có hệ số an toàn cao nhất” - ông Hùng nhấn mạnh.
Số lượng ít nhưng chi phí “khủng”
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định BHXH Việt Nam ủng hộ quan điểm sửa đổi quy định mua biệt dược gốc để giảm giá thuốc. Thực tế hiện nay, số lượng biệt dược chỉ chiếm khoảng 1/10 chủng loại thuốc trúng thầu trong các cơ sở y tế (đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối) nhưng giá trị tiền thuốc trúng thầu thì chiếm tới 30%, thậm chí nhiều hơn. “Cũng phải thừa nhận vai trò của biệt dược gốc đáp ứng được nhu cầu điều trị đặc biệt ở thời điểm cũng đặc biệt, có thể nhiều thuốc khác không còn tác dụng. Một số bệnh nhân phải dùng biệt dược gốc mới phát huy được tổng thể nhưng cần có những quy định để tránh sử dụng tràn lan, bác sĩ chỉ kê đơn khi thực sự cần thiết để tránh lãng phí” - ông Sơn lưu ý.
Bình luận (0)