Sau vụ 3 trẻ tử vong trong chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Y tế đã gấp rút ban hành Thông tư số 30. Thông tư này quy định điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục cho phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, thay thế Thông tư 01 ban hành năm 2002 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo.
Băn khoăn “góc khuất” từ thiện
Hiện nguyên nhân khiến 3 trẻ tử vong trong đợt phẫu thuật từ thiện do Trung tâm Nghiên cứu - Hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) thực hiện vẫn chưa được xác định. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, để tìm ra lý do chính xác cần mổ tử thi, qua đó mới tìm được bằng chứng để giám định pháp y và kết quả kiểm định thuốc đã sử dụng trong quá trình gây mê. “Nhưng các gia đình có con tử vong đã không khởi kiện, không đồng ý mổ tử thi” - ông Khuê cho biết.
Các cơ quan chức năng cũng đang làm rõ những vấn đề liên quan đến việc cấp phép, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của OSCA. Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng không thể phủ nhận những hiệu quả mà hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo mang lại cho người dân nhưng đâu đó vẫn còn “góc khuất”.
Đơn cử là OSCA, được thành lập từ năm 2007, đến nay đã phẫu thuật dị tật khe hở môi, vòm miệng từ thiện cho hơn 2.000 trường hợp. Tuy nhiên, tổ chức này hoạt động suốt một thời gian dài trong điều kiện chưa có chứng chỉ hành nghề của ngành y tế mà chỉ được Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cấp giấy phép nghiên cứu khoa học - công nghệ trên lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, y học trị liệu, phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình.
“Nếu không có những quy định siết chặt hoạt động này, tôi e rằng sẽ có tình trạng một tổ chức đứng ra nghiên cứu khoa học, kêu gọi từ thiện nhưng thực chất ẩn sau đó lại là khám chữa bệnh thu lợi” - chuyên gia nêu trên lo ngại.
Tăng cường quản lý ở các cấp
Sau sự cố OSCA, nhiều câu hỏi về việc cấp phép, quản lý, giám sát hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, từ thiện được đặt ra. Ông Lương Ngọc Khuê khẳng định bất kỳ đơn vị, tổ chức nào khi tham gia khám chữa bệnh đều phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Với các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, cái khác là ở nguồn kinh phí.
Nhận xét vụ 3 trẻ tử vong là sự việc không may, ông Khuê cho biết Thông tư 30 sẽ quản chặt hơn hoạt động này. Theo đó, với hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là bác sĩ (lương y) có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế hoặc sở y tế cấp. Các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cũng phải có chứng chỉ hành nghề. Bộ Y tế có thẩm quyền cấp phép cho cá nhân, đoàn khám bệnh trong và ngoài nước tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo tại các cơ sở y tế thuộc bộ. Lãnh đạo bộ, ngành cho phép cá nhân, đoàn khám chữa bệnh nhân đạo trong và ngoài nước tổ chức khám chữa bệnh tại cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh tuyến tỉnh, thành phố sẽ do sở y tế cấp phép.
Ông Khuê cũng cho biết với Thông tư 30, từ ngày 15-10, nếu các đoàn đến khám chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở y tế thì cơ sở đó phải có giấy phép khám chữa bệnh. Nếu khám tại các địa điểm khác thì ở đó phải có nơi tiếp đón, buồng khám bệnh các chuyên khoa, buồng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), buồng cấp cứu, buồng lưu bệnh nhân. Nơi diễn ra hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy...
“Một điểm mới của thông tư là trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đợt khám chữa bệnh nhân đạo, tổ chức, cá nhân thực hiện phải gửi báo cáo kết quả đến cơ quan cấp phép tổ chức hoạt động này” - ông Khuê cho biết.
Người bệnh hưởng lợi
Có ý kiến cho rằng quy định trong Thông tư 30 có thể làm khó các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam - một trong những tổ chức có uy tín trong các hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện - cho rằng chắc chắn người dân sẽ hưởng lợi nếu các quy định tại thông tư mới được thực hiện nghiêm túc.
“Khi bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề thì rõ ràng chất lượng khám chữa bệnh sẽ tốt hơn. Lâu nay, không ít người vẫn nghĩ rằng khám chữa bệnh nhân đạo chỉ là làm qua loa rồi phát cho người dân một ít thuốc. Vì thế, nhiều người không tin tưởng vào hoạt động này. Thậm chí, có người sau khi khám bệnh, cầm thuốc về nhà nhưng chưa chắc đã uống” - bác sĩ Tĩnh lý giải.
Bình luận (0)