Trước đó, từ ngày 11-9, đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn, đã có buổi làm việc, kiểm tra thực tế hoạt động tàu cánh ngầm tại 2 đầu bến TP HCM và Vũng Tàu. Qua đợt kiểm tra, Bộ GTVT đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn giao thông của tàu cánh ngầm.
Chưa giám sát được
Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT yêu cầu trước ngày 1-11, tàu cánh ngầm 2 máy phải lắp đặt xong AIS, riêng tàu 1 máy đang bị tạm đình chỉ hoạt động đến khi khắc phục các hạn chế. Điều đáng lưu ý là tình trạng tàu cánh ngầm 1 máy gặp sự cố trôi tự do trên biển xảy ra khá nhiều nhưng qua kiểm tra cho thấy chủ tàu không có phương án đưa phương tiện vào vị trí an toàn hoặc chờ ứng cứu khi gặp sự cố.
Theo thống kê của Phòng CSGT Đường thủy Công an TP HCM, 7 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 14 sự cố tàu cánh ngầm do hỏng động cơ hoặc phương tiện không đạt được tốc độ quy định, riêng tháng 7 đã có 8 trường hợp. Từ tháng 6-2007 đến ngày 31-7-2013, toàn thành phố xảy ra 34 sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cánh ngầm. Trong đó, 2 vụ nghiêm trọng làm 2 người chết, 6 vụ do thuyền trưởng chạy quá tốc độ, 26 sự cố chủ yếu do hỏng động cơ hoặc sóng to làm vỡ kính, bể ống dầu, mắc cạn…
Về các trường hợp chết máy, trôi tự do, theo nhận định của Phòng CSGT Đường thủy là hết sức nguy hiểm bởi dễ xảy ra tai nạn. Với những bất cập này, Bộ GTVT yêu cầu trước ngày 31-10, các chủ tàu cao tốc cánh ngầm 1 máy phải hoàn thành phương án đưa tàu vào vị trí an toàn, chưa có phương án thì chưa hoạt động lại.
Ngoài những hạn chế trên, một loạt thiếu sót khác của chủ tàu cũng được Bộ GTVT yêu cầu khắc phục trước ngày 31-10: Bố trí hệ thống phát thanh trên tàu để hướng dẫn hành khách sử dụng thiết bị cứu sinh, thoát hiểm trước mỗi chuyến; thông báo kịp thời cho hành khách những thông tin cần thiết trong chuyến đi; kiểm tra thường xuyên điều kiện an toàn của tàu; kiểm tra thông tin thời tiết trước khi rời bến…
Tiềm ẩn rủi ro
Tuyến tàu cánh ngầm TP HCM - Vũng Tàu thời gian qua xuất hiện nhiều sự cố như hỏng máy, trôi dạt trên biển, bể kính, mắc cạn… làm hành khách không ít phen sợ khiếp vía. Nhất là với tàu cánh ngầm 1 máy, khi xảy ra sự cố thì hầu như không thể điều khiển mà trôi tự do trên tuyến, hết sức nguy hiểm. Với tàu 2 máy thì hành khách vẫn chưa thể yên tâm bởi hầu hết đều có niên hạn trên 20 năm sau thời gian sử dụng tại Nga, Ukraine…
Tuyến tàu cao tốc TP HCM - Vũng Tàu dài 87 km, địa hình quanh co, khúc khuỷu. Trong đó, đoạn qua vịnh Gành Rái chiếm 1/3 chiều dài toàn tuyến, sóng to, gió lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Theo quy định, thuyền trưởng, thuyền phó phải có chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển nhưng hiện hầu hết đều không có nên kiến thức và nghiệp vụ về hàng hải rất hạn chế, không có kinh nghiệm xử lý sự cố.
Sẽ quy định tốc độ Bộ GTVT yêu cầu trước ngày 31-10, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ TP HCM, Vũng Tàu và Hải Phòng quy định các khu vực khống chế tốc độ của tàu cao tốc cánh ngầm trên luồng hàng hải. Đồng thời, phối hợp với các cảng vụ đường thủy nội địa theo dõi, giám sát thường xuyên hành trình của tàu cao tốc cánh ngầm thông qua hệ thống AIS. |
Bình luận (0)