Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM vừa tổ chức lấy ý kiến dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP HCM. Trong đó có nhiều điều khoản gây tranh cãi, như về hình thức: khuyến khích theo phong cách kiến trúc hiện đại, không sử dụng các chi tiết trang trí rườm rà, mô phỏng kiến trúc cổ điển châu Âu, phù điêu, tượng, điêu khắc, mái chóp, mái vảy ngói bên trên các ban công, sân thượng của công trình; về màu sắc: chỉ được sử dụng tối đa 3 màu sơn cho một công trình, khuyến cáo sử dụng màu sắc bên ngoài công trình theo bảng phụ lục về màu sắc công trình văn phòng.
Cứng nhắc sẽ không khả thi
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng, Hội KTS TP HCM, ủng hộ việc Sở QH-KT đưa ra chuẩn mực về thiết kế đô thị: màu sắc, chiều cao, lộ giới, phong cách kiến trúc…
Tuy nhiên, KTS Dũng cho rằng quy định đồng bộ về màu sắc, phong cách kiến trúc nên áp dụng cho các cao ốc thương mại, văn phòng hay dự án nhà ở vì các công trình này được thiết kế đồng loạt, có mẫu nhà chung. Nếu áp dụng cho nhà ở riêng lẻ sẽ không khả thi vì người dân không biết được kiến trúc mô phỏng châu Âu là như thế nào để tránh. Hơn nữa, ai sẽ quản lý và xử lý ra sao nếu người dân xây nhà theo kiểu châu Âu, đặt phù điêu trước nhà...?
Quy định quá cứng nhắc sẽ không khả thi, ngược lại còn dễ “đẻ” ra tiêu cực, nhũng nhiễu dân. KTS Dũng cũng đề xuất các quy định về kiến trúc nên đưa thẳng vào đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000.
Tòa nhà Metropolitan ở TP HCM mô phỏng kiến trúc châu Âu nhưng vẫn hài hòa, hiện đại. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, KTS Nguyễn Thị Giang Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế - Xây dựng và Phát triển đô thị Sài Gòn, cho rằng kiến trúc cổ vẫn có những nét duyên riêng, nếu thiết kế đúng sẽ cho ra nhiều công trình còn mãi với thời gian, như tòa nhà Metropolitan hay Diamond Plaza… là những công trình mô phỏng kiến trúc châu Âu nhưng rất hài hòa với kiến trúc hiện đại, tạo được dấu ấn riêng.
Theo KTS Thu, chỉ nên khống chế về màu sắc, chiều cao ở các khu mang tính chất đặc thù riêng, như khu Hải Thượng Lãn Ông, phố Triệu Quang Phục (quận 5)… Đối với đô thị hiện hữu nên để tự hoàn thiện và cũng chỉ quy định về màu sắc, phong cách kiến trúc trong thiết kế đô thị. Để quản lý đô thị, chỉ nên ban hành những quy định khung, chi tiết quá lại trở thành can thiệp sâu vào quyền tự do của người dân.
Không chỉ là thẩm mỹ
KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS TP HCM, cho biết màu sắc không đơn thuần là sở thích, thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sức khỏe…Tuy nhiên, không nên khống chế số lượng màu mà khống chế loại màu: màu nào được dùng trong khu dân cư đô thị, màu nào không được dùng. Ở nhiều nước, người dân được phép dùng những gam màu trung tính, không nóng cũng không lạnh.
KTS Lưu không ủng hộ trường phái giả cổ vì Việt Nam có một bản sắc kiến trúc riêng, trong thời buổi hòa nhập hiện nay có nhiều lối kiến trúc mới: kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng… cần được ứng dụng. Nên thông tin cho người dân thấy những xu thế đó để người dân lựa chọn, không nên áp đặt.
Lý giải về các điều khoản trong dự thảo quy chế, ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch - Sở QH-KT TP HCM, cho rằng các dự án nhà ở, công trình thương mại, cao ốc văn phòng… thường đã phải qua các cuộc thi tuyển kiến trúc hoặc thông qua hội đồng thẩm định nên hầu hết kiến trúc sẽ hài hòa trong tổng thể.
Đối với nhà ở riêng lẻ, người dân tự thiết kế theo sở thích hoặc thuê kiến trúc sư nhưng vẫn áp đặt ý kiến cá nhân vào, vì vậy có thể gây “chỏi” với không gian kiến trúc xung quanh, phá vỡ quy hoạch kiến trúc đô thị. Thử hình dung trong dãy phố 25 căn nhà, mỗi nhà có mặt tiền rộng 4 m đều dựng tượng, phù điêu hay sơn phết nhiều màu khác nhau thì còn đâu thẩm mỹ? Quy chế quản lý QH-KT chủ yếu áp dụng cho các công trình nhà ở riêng lẻ nhằm tạo ra một không gian kiến trúc hài hòa trong cộng đồng.
Tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp từ quận, huyện, nhà chuyên môn, dự thảo quy chế đến nay đã sửa đổi 2-3 lần. Trong đó, kiến trúc nhà riêng lẻ chủ yếu áp dụng các quy định về nhà liên kế theo Quyết định 135 và 45 của UBND TP HCM (quy định về kiến trúc nhà ở liên kế trong khu đô thị hiện hữu). Trong đó, khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng mái chóp, mái vòm, tượng, phù điêu… Các nội dung khác chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật như việc sử dụng màu sắc, lối kiến trúc chỉ khuyến cáo người dân những trường hợp nào nên - không nên sử dụng và hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng.
Bộ Xây dựng cấm rồi... không cấm
Ngày 23-5-2013, Bộ Xây dựng có Công văn số số 942 về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình, trong đó có lưu ý không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu. Một tháng sau, bộ có Công văn số 185 gửi các tỉnh, TP bỏ phần nội dung cấm này vì “sai sót trong in ấn”.
|
Bình luận (0)