Chiều 20-6, Quốc hội (QH) đã thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (Luật Cư trú).
Tạm trú 1 năm quá ngắn
Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) cho biết kết quả tổng hợp cho thấy đa số đại biểu (ĐB) tán thành quy định nâng điều kiện thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào các quận nội thành thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với sổ tạm trú, Ủy ban TVQH cho biết để tăng cường công tác quản lý của nhà nước và nâng cao trách nhiệm công dân, luật quy định sổ tạm trú cấp cho công dân có thời hạn tối đa là 24 tháng, khi hết thời hạn mà người được cấp sổ vẫn tiếp tục tạm trú thì trong vòng 30 ngày trước khi hết thời hạn tạm trú, công dân mang sổ tạm trú đến cơ quan công an để gia hạn. Quy định thời hạn của sổ tạm trú tối đa là 24 tháng cũng phù hợp với quy định điều kiện về thời hạn tạm trú để được đăng ký thường trú vào nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương.
Rất cần luật đấu thầu riêng về y tế
Cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị xây dựng một luật đấu thầu riêng đối với một số dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng đến dân sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế như Luật Đấu thầu thuốc và thiết bị y tế.
Theo ĐB Tiên, quan sát từ 10-15 năm qua, trên diễn đàn QH chưa bao giờ ngừng tranh luận về vấn đề giá thuốc. “Nhiều ĐBQH các khóa trước và khóa này nói rằng giá thuốc là máy bay trực thăng không có chỗ đỗ. Nhận xét này đến nay vẫn đúng. Do đó, chúng ta phải có chế tài, cơ chế kiểm soát giá thuốc” - ĐB Tiên nhấn mạnh.
Tiếp tục phân tích sự cần thiết phải có luật riêng về đấu thầu thuốc, ĐB Nguyễn Văn Tiên cho biết năm 2012, ước tính quỹ bảo hiểm y tế chi trả 25.000 tỉ đồng tiền thuốc cho các bệnh viện. Theo ĐB này, hình thức đấu thầu thì “muôn hình vạn trạng” khi 63 địa phương có khoảng 700 đến hàng ngàn hội đồng đấu thầu thuốc. Có địa phương đấu thầu tập trung nhưng có nơi giao cho bệnh viện, mỗi bệnh viện lại đấu thầu một kiểu. “Nếu đấu thầu theo một cơ chế pháp lý rất chặt chẽ thì giá thuốc sẽ giảm khoảng 20%. Một năm chi 25.000 tỉ đồng thì có thể tiết kiệm được 5.000 tỉ đồng” - ĐB Tiên phân tích.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) tán đồng: “Tôi chia sẻ ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Tiên. Đây cũng là sự chờ đợi, mơ ước của toàn ngành y tế”.
Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhưng ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) lưu ý sửa Luật Đấu thầu phải giải quyết được vấn đề mấu chốt là nạn thông thầu - đây là mối nguy rất lớn, dẫn tới hành vi rút ruột công trình. “Cần quy định một điều khoản rất rõ trong luật về những hành vi liên quan thông thầu như cứ 3 đối tượng tham gia (chủ đầu tư, nhà thầu và người chấm thầu) là cấu thành tội phạm, không phải đợi hậu quả diễn ra như thế nào” - ĐB Lịch đề nghị.
Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, đấu thầu hiện nay quá nặng về vấn đề giá cả mà xem nhẹ yếu tố khác, dẫn đến tình trạng nhiều công trình dùng giá rẻ để thâu tóm và kéo dài thời gian bằng mọi cách.
Nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn Trong ngày 20-6, QH đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. Theo đó, QH giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo kết quả với QH khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Đối với vấn đề nợ công, theo báo cáo của Chính phủ, hết năm 2011, tỉ lệ nợ công của Việt Nam là 54,9% GDP, tỉ lệ nợ công năm 2012 là 55,7% GDP, vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Dù vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường triển khai các biện pháp cần thiết, kiểm soát chặt chẽ nợ công, bảo đảm khả năng trả nợ, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. QH cũng thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014 và Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. |
Bình luận (0)