29 cảng biển ở TP HCM vừa ký cam kết với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc kiểm soát chặt tải trọng hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào cảng nhằm ngăn chặn tình trạng xe quá tải vượt trạm, phá đường.
Mạnh tay phạt cảng vi phạm
Tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Công an hôm 16-9, lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Tất cả các đơn vị thành viên đều phải triển khai kiểm soát tải trọng. Trước khi vào lấy hàng, phương tiện phải được đăng kiểm tải trọng; khi xe ra, bảo vệ sẽ đối chiếu phiếu xuất hàng và đăng kiểm tải trọng khi vào, nếu không đúng như đăng ký thì sẽ không cho xe rời cảng. Nếu cảng nào để xe vi phạm về tải trọng đến lần thứ hai thì sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng.
Trước đó, ngày 15-9, Tân Cảng Sài Gòn cũng đã ra văn bản thông báo với các doanh nghiệp (DN) về việc quyết liệt tổ chức giao nhận hàng hóa theo đúng tải trọng cho phép của phương tiện theo các quy định của nhà nước tại các cơ sở cảng trực thuộc.
Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - ông Ngô Minh Thuấn - kiến nghị Bộ GTVT cho Tân Cảng Cát Lái được đặc cách, không kiểm tra tải trọng trong trường hợp xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khẳng định “không có ngoại lệ cho bất cứ cảng nào”, việc kiểm soát triển khai đồng loạt ở tất cả các cảng lớn, nhỏ, nhà nước, tư nhân… để siết tình trạng xe quá tải.
“Theo cam kết đã ký, nếu để xảy ra vi phạm xe chở quá tải trọng thì sẽ xử lý về trách nhiệm, kỷ luật đối với lãnh đạo cảng biển và DN xếp dỡ trong cảng” - ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ, khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 18-9.
Về động thái mới trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc sửa nghị định xử phạt vi phạm giao thông phải tính tới xử phạt cùng lúc được cả 4 “địa chỉ”: tài xế, chủ hàng (hoặc DN vận tải), người xếp dỡ và lãnh đạo cảng thì mới mong triệt được tận gốc việc chở quá tải.
“Tôi đã đề xuất như thế nhưng ban soạn thảo ở Bộ GTVT kêu khó. Khó mà chúng ta làm được thì chiến dịch kiểm soát trọng tải mới thành công. Chúng ta chỉ chăm chăm vào xử tài xế và chủ hàng là chưa được, phải xử lý cả DN xếp dỡ nữa, làm thế DN mới sợ” - ông Thanh nói.
Trạm cân có mà như không!
Thực tế, hầu hết xe tải ra vào các cảng đều tỏa đi các địa phương, tức là phải lưu thông trên Quốc lộ (QL) 1 và nhiều tuyến QL khác. Cách làm nói trên của các cảng và Bộ GTVT có thể hiệu quả song khó tối ưu nếu các lực lượng chức năng - như CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) - thiếu sự phối hợp, làm việc không hết mình.
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Người Lao Động, những ngày qua trên QL 1 qua các tỉnh miền Trung, xe cồng kềnh vẫn vượt trạm dễ như bỡn!
Trạm cân tải trọng ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi do CSGT và TTGT Quảng Ngãi quản lý nằm trên một con đường tránh song song với QL 1. Lúc 8 giờ ngày 10-9, ngay khi thấy CSGT Quảng Ngãi chốt chặn trên QL 1 yêu cầu các xe có dấu hiệu quá tải vào kiểm tra, hàng loạt xe đầu kéo, xe tải lập tức tấp vào 2 bên đường, cách vị trí CSGT chốt chặn khoảng 1-2 km và nằm chờ. Trong suốt thời gian nằm chờ, cánh tài xế liên tục lân la đến vị trí CSGT chốt chặn để nghe ngóng tình hình.
Đến 14 giờ, một xe đầu kéo mang BKS 51C-41178 kéo theo rơ-moóc mang BKS 51R-07600 chở 1 chiếc máy đào và 1 xe lu (ước nặng khoảng 50 tấn - PV) chạy rầm rập qua vị trí chốt chặn. Ngay lập tức, chủ xe bị CSGT yêu cầu đưa xe vào vị trí trạm cân. Sau khi cân xong, tài xế xuống gặp lực lượng CSGT và TTGT trong một cái chòi gần đó rồi chiếc xe được tiếp tục lưu thông (!).
Lúc 3 giờ ngày 11-9, chúng tôi có mặt trên tuyến đường tránh Tam Kỳ (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - nơi đặt trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 23 của tỉnh Quảng Nam. Để tránh sự phát hiện của cán bộ trạm cân, chúng tôi đã đi vòng qua cánh đồng lúa, tiến lên phía mặt đường đối diện nơi cán bộ trạm cân làm việc để quan sát. Lúc này, tổ công tác kiểm tra tải trọng xe lưu động gồm CSGT và TTGT có mặt. Ở phía đường ngược lại, hàng trăm xe tải, xe container chở hàng nối đuôi nhau chạy rầm rập qua trạm cân nhưng không hề bị dừng.
Gần 1 giờ sau, CSGT mới cho dừng thêm một xe container kéo theo rơ-móoc chở rất nhiều trụ điện bằng xi-măng, di chuyển nặng nề. Tổ công tác của trạm cân yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ và ghi sổ rồi cho xe vào cân, sau khi cân xong, xe này cũng được cho đi (?).
Sau thời gian này cho đến lúc trời mờ sáng, tại trạm cân chỉ có 2 người túc trực, trong đó một CSGT và một TTGT thực hiện ghi chép sổ chứ không bố trí người đón xe. 12 giờ, chúng tôi trở lại thì chỉ thấy 2 TTGT đang ngồi ở trạm cân, không hề có bóng dáng của CSGT.
Tại trạm cân tải trọng đặt tại QL 1 thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vào ngày 10-9, rất nhiều xe tải nặng qua trạm nhưng không thấy cán bộ trạm yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Khoảng 9 giờ 30 phút, một xe tải biển số tỉnh Phú Yên phủ kín bạt, chở hàng rất nặng chạy ì ạch qua trạm cân. Mặc dù ở trạm có 1 CSGT đứng gác nhưng vẫn không ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra tải trọng. Đặc biệt, thời điểm từ 12 giờ đến 13 giờ 30 phút, trời nắng nóng, lực lượng chức năng tại trạm cân thường ngồi vào bên trong tránh nắng nên nhiều xe tải nặng tranh thủ chạy qua.
Điều không bình thường là vào ban đêm, tại trạm cân này, rất nhiều xe tải “khủng” chạy qua nhưng cán bộ trạm cân ít khi ra lệnh dừng xe. Trong khi đó, chỉ cách trạm cân chừng 300 m, cũng nằm trên QL 1, một tổ CSGT của Công an TP Đà Nẵng chặn các loại ô tô nhỏ hết sức nhiệt tình. Hầu như ô tô nào cũng bị dừng lại kiểm tra rất nhanh, tài xế xuống xe gặp CSGT chưa đầy 2 phút rồi lên xe đi ngay.
Trong 2 ngày 10 và 11-9, phóng viên cũng có mặt tại khắp các tuyến đường trọng yếu như QL 1A, QL 12 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nơi mà các loại ô tô tải trọng lớn lưu thông. Vào thời điểm trên, trạm cân Quảng Bình bị “hỏng”, hàng loạt xe quá tải, siêu tải chở vật liệu từ các mỏ đá, mỏ cát từ các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa phóng ầm ầm dọc theo QL 12 suốt cả ngày đêm khiến cho nhiều đoạn đường bị băm nát nghiêm trọng.
Có thể sẽ gây tắc nghẽn
Chiều 18-9, tại khu vực làm thủ tục hải quan cảng Cát Lái, các thủ tục thông quan vẫn diễn ra bình thường, chưa xuất hiện tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, một số DN làm thủ tục hải quan lo ngại thời gian tới sẽ bị ùn tắc do lượng xe về cảng nhiều. Theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Long Sơn, trung bình mỗi tháng, Công ty Long Sơn nhập khoảng 200 container và xuất khoảng 120 container (loại 20 feet). Việc kiểm soát tải trọng như thế chắc chắn sẽ gây ùn ứ hàng tại cảng và ảnh hưởng tới công ty vì lượng xe ra vào tăng cao.S.Nhung
Kỳ tới: Lực lượng chức năng nói gì?
Bình luận (0)