Sau khi xem lại hình ảnh nhiều xe tải có dấu hiệu chở vượt tải trọng vẫn ung dung qua trạm cân ở Đà Nẵng do phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng kiêm trạm trưởng trạm cân tải trọng ở Đà Nẵng, giải thích: “Hình ảnh một số xe tải qua trạm mà các anh ghi lại có thể cán bộ trạm cân đánh giá không vượt tải trọng nên không yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, cũng có thể do cán bộ trạm đánh giá chưa chính xác”.
Tăng cường kiểm tra lưu động
Ông Nghĩa cho rằng dù trạm cân bố trí 3 ca, túc trực 24/24 giờ nhưng nhiều lúc do làm việc thâu đêm hay trời nắng nóng nên cán bộ trạm cân cũng khá vất vả. Theo ông, mặc dù cán bộ trạm cân cho dừng xe kiểm tra rất nhiều nhưng thống kê chỉ khoảng 10% xe chở vượt tải trọng. Vì vậy, để lưu thông bình thường, Bộ GTVT đã yêu cầu tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kinh nghiệm cho cán bộ trạm cân trong việc đánh giá tải trọng của phương tiện.
Tuy vậy, ông Nghĩa cũng thừa nhận tại Đà Nẵng có tình trạng “cò xe” làm tai mắt, dẫn những phương tiện vượt tải trọng đi đường khác để né trạm cân. Vì vậy, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị các địa phương, ngành chức năng phối hợp xử lý xe quá tải né trạm cân. Ngoài ra, địa phương đã lập thêm trạm cân lưu động để “mai phục” xe vi phạm và ngành công an cũng thành lập ban chuyên án xử lý nạn “cò xe” trên địa bàn.
Khó xử lý vì bất cập
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc một số xe có dấu hiệu vượt tải trọng nhưng cân xong vẫn được phép rời trạm mà không phải hạ tải, ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận đây là bất cập và chưa có giải pháp, là khó khăn chung chứ không riêng Quảng Ngãi. Theo ông, hiện nay giải pháp hạ tải đối với những xe vi phạm chưa thể thực hiện vì không có kho bãi lưu giữ hàng hóa mà không làm giảm chất lượng. “Với xe bồn chở xi măng, nhiệt độ phải bảo đảm từ 80oC-100oC. Biết là vi phạm về tải trọng nhưng buộc họ hạ tải thì không biết đổ xi măng ở đâu. Đây là tài sản của dân, không dễ dàng đổ bỏ nên việc buộc hạ tải gặp khó” - ông Ngà nói.
Còn việc để xe có dấu hiệu quá tải lọt qua trạm cân, ông Ngà cho rằng đây là khuyết điểm của nhân viên trạm. “Nếu có chứng cứ để xe quá tải qua trạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay. Về nguyên tắc, phải túc trực 24/24 giờ, không có chuyện giao ca, không có lý do nào khác. Để xe có dấu hiện quá tải lọt trạm là vô trách nhiệm” - ông Ngà khẳng định.
Trời mưa nên anh em nghỉ!
Ông Võ Quang Lâm, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam kiêm trưởng trạm cân số 23, cho biết sở dĩ trạm cân nghỉ khá lâu trong sáng 11-9 là do trời mưa, sợ thiết bị cân bị nhiễu. “Trời mưa, sợ nhiễu cân nên anh em có nghỉ một chút. Tôi có quy định mưa lớn thì không làm, mưa nhỏ vẫn phải hoạt động, tuy nhiên đôi lúc cân bị nhiễu đèn LED nên không hoạt động được” - ông Lâm nói.
Về việc xe quá tải liên tục lọt qua trạm cân ở Quảng Nam, ông Lâm cho rằng cần xác định thời gian và địa điểm bởi trạm cân ở đây luân chuyển liên tục theo kế hoạch đã phê duyệt, như ngày 17-9, trạm không hoạt động trên Quốc lộ 1 mà dời lên đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, theo ông Lâm, lực lượng CSGT không thể dừng đón xe cả 2 chiều. Nếu đón theo hướng Bắc - Nam thì xe quá tải chạy hướng Nam - Bắc có thể lọt qua trạm. Vả lại, tài xế cũng có nhiều “mánh khóe” để vượt trạm như chạy theo nhóm, trong đó có xe quá tải khiến nhân viên trạm cân lúng túng.
Bình luận (0)