Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km. Đến 7 giờ ngày 22-9, vị trí tâm bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 370 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 - 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 7 giờ ngày 23-9, vị trí tâm bão ở trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất giảm xuống 103 - 133 km/h, giật cấp 13 - 14.
Dự báo đường đi của siêu bão Usagi của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 13, cấp 14, vùng gần tâm bão đi qua cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió Tây Nam nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Dự báo trên tương đồng với thông tin của báo đài quốc tế. Theo đài BBC, Đài Loan, Philippines và Hồng Kông đang nín thở chờ siêu bão Usagi kèm theo gió lốc và mưa lớn. Trước khi băng qua Hồng Kông và đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc cuối tuần này, siêu bão có thể tàn phá Philippines và Đài Loan trong ngày 21-9.
Gia cố lại đập chắn lũ ở TP Pasay, phía nam thủ đô Manila - Philippines ngày 20-9. Ảnh: EPA
Tàu cá tránh bão Usagi tại TP Xinbei, Đài Loan ngày 20-9. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhà khí tượng Pedram Javaheri nói với đài CNN: “Đây là cơn bão mạnh đến khó tin. Khi đi qua eo biển Luzon ngăn cách Philippines và Đài Loan, nó có thể tạo ra những đợt sóng cao đến 15 m”. Ngoài ra, đường kính hoạt động của Usagi lên đến 1.100 km với phạm vi gây mưa trải rộng từ đảo Luzon ở phía bắc Philippines đến miền Nam Đài Loan. Lượng mưa gần tâm bão trong vòng 24 giờ có thể đạt mức 500 mm.
Toàn bộ nhóm đảo Batanes của Philippines với 16.000 dân đã được đặt dưới cảnh báo bão cao nhất. Trong khi đó, Đài Loan đã điều động hơn 1.600 binh sĩ đến các khu vực “nguy cơ cao” về lũ lụt và sạt lở đất, đồng thời huy động thêm 24.000 binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng ứng phó. Cơ quan khí tượng Đài Loan đã đưa ra tình trạng báo động khẩn cấp đối với người dân ở khu vực Đài Đông (Taitung), Cao Hùng (Kaohsiung) và Bình Đông (Pingtung).
Trung Quốc hiện đưa ra mức cảnh báo “vàng”, mức báo động cấp 3 trong hệ thống cảnh báo 4 cấp của nước này, đồng thời khuyến cáo người dân đề phòng sạt lở đất, lở đá và lũ lụt.
Sóng lớn do bão Soulik gây ra đập vào bến cảng ở TP Toucheng, Đài Loan ngày 12-7-2013. Ảnh: AP
Bình luận (0)