Tại hội thảo quốc tế “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng” tổ chức ở Hà Nội ngày 3-11, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Đình Phách khẳng định để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cần phải thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, cần có các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng.
Thủ tục quá phiền hà
Ông Phách nhận định cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều hạn chế. Bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng là yêu cầu quan trọng, bức thiết của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng cũng là vấn đề rất khó khăn và nan giải.
Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), ông Jairo Acuna Alfaroru, ví von: “Cái khiên” là các quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng, “thanh kiếm” là chính sách khuyến khích tố cáo tham nhũng. Nhưng khi vung kiếm lên, người có hành động xả thân với những hành động tham nhũng trong xã hội phải được bảo vệ an toàn. Nếu không, họ sẽ e ngại vì sợ bị trả thù.
Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, có đến 50 % người được hỏi nói rằng họ không dám tố cáo tham nhũng vì sợ bị trả thù và phải trải qua những thủ tục quá phiền hà. Theo ông Nguyễn Huy Lân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Nghệ An, trong số 18 người tố cáo tham nhũng được tỉnh khen thưởng thì có đến 1/3 bị hành hung, trù dập và trả thù nhưng cho đến nay, vẫn chưa có vụ nào được điều tra đến nơi đến chốn.
Đừng để bị “lật lại thế cờ”
Bên lề hội thảo, ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cho rằng người tố cáo tham nhũng thường ở “thế yếu” hơn người bị tố cáo. “Vì vậy, họ thường bị trù dập, nhẹ thì bị phân công công tác khác, buộc thôi việc; nặng hơn là bị trả thù tàn bạo” - ông Lân phân tích.
Để có thể bảo vệ được những người tố cáo tham nhũng, ông Lê Văn Lân khẳng định cần phải xử lý các vụ việc được phát giác một cách triệt để, kịp thời và nhanh chóng. Bằng không, người bị tố cáo sẽ có thời gian “lật lại thế cờ”, trù dập người tố cáo.
Phối hợp với nước ngoài xử lý tham nhũng Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc các cơ quan pháp luật của Việt Nam có phối hợp với các cơ quan pháp luật nước ngoài để tìm ra những người tham nhũng trong nước bị các quan chức của nước ngoài nêu đích danh hay không, ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cho biết Việt Nam và một số nước đã ký hiệp định tương trợ tư pháp. “Đối với vụ Securency (Úc) và PCI (Nhật), Việt Nam đã tích cực chủ động thu thập thông tin, trực tiếp gặp cơ quan chức năng của các nước này để làm rõ và xử lý theo pháp luật Việt Nam nếu những cá nhân liên quan có dấu hiệu tham nhũng” - ông Lân khẳng định. |
Bình luận (0)