Trong chuyến thăm huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi đầu tháng 5-2011 vừa qua, tôi quyết tìm đến nhà “sói biển” Mai Phụng Lưu. “Vương quốc tỏi” không lớn mà vị thuyền trưởng này lại nổi danh nên dù căn nhà ông nằm sâu trong rất nhiều ngõ hẻm, tôi vẫn nhanh chóng tìm ra.
Dù làm thuê, vẫn được bám biển
Nhìn bề ngoài, nhà của ông Lưu khá khang trang nhưng khi bước vào rồi, tôi chẳng biết ngồi ở đâu vì bên trong trống trơn. Trên sàn nhà, không có gì khác ngoài vài bao tỏi dựng sát góc tường. Đập vào mắt tôi là hai bằng khen dành cho ông Lưu do có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Vừa trải chiếu mời khách ngồi trong căn nhà trơ trọi, bà Phạm Thị Lan, vợ ông Lưu, buồn thiu phân trần: “Hồi trước bàn ghế có đủ nhưng túng thiếu quá, gia đình tôi bán hết rồi”. Tương phản với nét rầu rĩ của người vợ hay lo toan, ông Lưu trông tươi tỉnh và nhẹ nhõm, dù câu chuyện về miếng cơm, manh áo, về những cơ cực, vất vả của một ngư dân lừng lẫy một thời giờ đã khánh kiệt vì “nhân tai” vẫn mang đầy dư vị chua xót.
“Sói biển” cho biết mấy tháng qua, ông cùng 2 người con trai lớn và con rể đi lặn biển thuê bắt hải sâm ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam cho 3 chủ tàu cá khác nhau, thu nhập khoảng 2-4 triệu đồng/tháng. “Phải đi làm thuê cho nhiều chủ tàu để tàu này không được gì thì cũng còn chiếc khác, chứ làm chung một tàu rủi thất bát thì lại khổ. Dù làm thuê nhưng tôi cũng đã được ra khơi bám biển” - ông Lưu giải thích.
Chỉ 2 tấm bằng khen treo trên tường, “sói biển” khoe ông mới được tặng cuối năm 2010. “Qua báo chí, tôi thành người có chút tiếng tăm nhưng có tiếng mà không có miếng. Bây giờ sản nghiệp tiêu tan, nợ nần chồng chất, nghĩ đến cảnh cả gia đình phải ly tán làm thuê, làm mướn mà buồn lắm” – ông tâm sự.
Như nhà của mình
Than thở là vậy nhưng chỉ cần chúng tôi nhắc đến biển khơi là mắt ông Lưu lại sáng rực lên. Giọng ông vẫn mang đầy âm sắc của một người quanh năm sống nơi đầu sóng, ngọn gió: “Vùng biển ở Hoàng Sa của ta làm ăn được lắm. Mấy chục năm đánh bắt ở đó tôi rành như lòng bàn tay mình, nếu không bị quấy phá thì làm giàu không khó” – ông khẳng định.
Chuyện về những con sóng quanh vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, về những chuyến ra khơi trúng đậm, về thời gian khó khăn trong những lần bị phía Trung Quốc bắt giữ tàu… cứ được “sói biển” tuôn trào. “Mấy lần “đụng” với tàu Trung Quốc, cha con tôi cũng ngại lắm vì mình chỉ có tay không. Bị bắt rồi được thả ra, nợ nần bao vây nhưng không đi Hoàng Sa không được. Nó như là nhà mình vậy, nhà mình mà bỏ đi không về, không ở thì đâu có đành” - ông thổ lộ.
Thấy chúng tôi cứ hỏi đi hỏi lại về phong cảnh Hoàng Sa, “sói biển” khẳng định: “Bạn thấy Lý Sơn đẹp thế nào thì Hoàng Sa lại hơn gấp mấy lần như vậy. Nước biển ở đó đẹp lắm, xanh màu rất lạ…”. Kiêu hãnh, tôi nhận thấy điều đó trên gương mặt sạm đen rắn rỏi, trong giọng nói chất phác rặt xứ Quảng của ông. Đó là sự kiêu hãnh của một người đã quá quen với sóng nước, quen với những vinh quang, sung túc và cả chuyện tai bay, vạ gió mà biển khơi mang lại.
Ông Mai Phụng Lưu cùng vợ trong lần trở về đất liền tháng 10-2010. Ảnh: XUÂN LONG
“Sói biển” cho biết từ dạo bị phía Trung Quốc bắt giữ, bị xiết tàu rồi phải đi làm thuê, làm mướn, tuy ông buồn thật nhưng vẫn không bằng cảm giác nhớ biển Hoàng Sa. “Cứ như mình bị bó chân, bó tay vậy. Giờ cũng đi biển, cũng làm những việc trước đây nhưng cảm giác không sao bằng được ở Hoàng Sa” – ông bộc bạch.
Gần lắm Hoàng Sa!
Hôm ấy, khi chia tay, bà Lan dúi vào tay tôi một túi tỏi nặng trĩu. Thấy tôi ái ngại, ông Lưu cười sảng khoái: “Ở Lý Sơn chẳng có gì ngoài tỏi, nhà tôi cũng vậy. Ai tới đây thăm, tụi tôi cũng có tỏi làm quà hết”. Về đến TPHCM, cứ nhìn mấy củ tỏi tròn xinh, trắng tinh của Lý Sơn, tôi lại nhớ gia đình “sói biển” và gọi điện hỏi thăm thì vẫn nghe câu nói quen thuộc: “Tụi tôi vẫn đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày”.
Mấy ngày qua, thông tin về tàu Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta cứ đến liên tục. Lo lắng, tôi gọi điện hỏi thăm thì được biết ông Lưu đã theo chủ tàu đi đánh bắt ở vùng biển Malaysia. Bà Lan ái ngại: “Khoảng nửa tháng trước, chồng tôi theo chủ tàu ra Trường Sa đánh bắt, sau đó gọi điện về báo sẽ đi Malaysia và từ đó đến nay vẫn không có tin tức gì”. Anh Mai Chí Tâm, con trai thứ hai của ông Lưu, trấn an: “Mấy ngày qua, nghe nói nhiều về tàu Trung Quốc, tôi và mẹ ở nhà cũng lo cho ba lắm nhưng chắc không sao vì tàu ba đi làm thuê có hợp đồng đánh bắt cá với Malaysia rõ ràng”.
Tâm cho biết anh mới đi lặn hải sâm thuê ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam về và dự kiến ngày 5-6 sẽ theo chủ tàu đi Hoàng Sa. Cũng như cha mình, anh Tâm tỏ ra hào hứng khi nhắc đến biển khơi: “Đi Hoàng Sa gần lắm, nằm sát bên Lý Sơn mà, ở đó hải sâm lại nhiều. Mấy năm theo nghề biển với ba, tôi toàn đi Hoàng Sa. Bây giờ, mấy cha con muốn đi với nhau phải có tàu riêng, mà làm mướn thì chỉ đủ sống qua ngày, thuê một chiếc tàu còn khó nói chi tới mua mới”…
Bốn lần tàu bị bắt giữ Năm 2005, tàu của ông Mai Phụng Lưu bị phía Trung Quốc bắt hai lần, mỗi lần bị buộc nộp phạt gần 140 triệu đồng. Tháng 4-2010, tàu của ông Lưu lại bị phía Trung Quốc bắt giam nửa tháng, thu toàn bộ phương tiện hành nghề rồi mới thả. Mới đây nhất, tháng 9-2010, tàu cá của “sói biển” cùng với 8 ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị phía Trung Quốc bắt giữ. Sau 44 ngày bị giam và mắc kẹt do mưa bão, ngày 26-10-2010, ông Lưu và các ngư dân mới về tới đất liền. Sau lần bị bắt giữ này, chiếc tàu của ông Lưu bị chủ nợ xiết để trừ số tiền 600 triệu đồng mà ông đã vay để nộp phạt cho phía Trung Quốc, sắm sửa ngư cụ trong những lần bị bắt trước đó. |
Bình luận (0)