Về việc xử phạt VietJet Air, Cục Hàng không cho rằng quyết định xử phạt không phải vì để tiếp viên ăn mặc hở hang mà vì hãng hàng không này tổ chức sự kiện trên máy bay ngoài phạm vi được chấp thuận.
Nhiều chiêu quảng cáo
Không khiếu nại nhưng về phía VietJet Air có nhiều băn khoăn từ quyết định xử phạt này. Đại diện VietJet Air cho biết tất cả các chuyến khai trương của hãng đều có màn tặng quà, nhảy múa, thậm chí có tiết mục biểu diễn nghệ thuật nhưng không bị “tuýt còi”. Trong chuyến bay đầu tiên của hãng vào ngày 24-12-2011, trên máy bay cũng có màn nhảy múa, biểu diễn văn nghệ hàng chục phút.
Rất nhiều phóng viên, nghệ sĩ trên chuyến bay đó đã quay clip rồi phát tán lên mạng. Còn ở “sự kiện” ngày 3-8, màn nhảy múa chỉ diễn ra trong khoảng 3 phút nhưng có sự khác biệt là “diễn viên” mặc bikini để thể hiện đặc trưng của một vùng đất nổi tiếng về biển mà máy bay đang đến. Năm cô gái mặc bikini nhảy múa trên chuyến bay khai trương này đều là thí sinh của cuộc thi Miss Ngôi sao, trong đó chỉ có một tiếp viên của VietJet Air.
Màn nhảy múa với bikini của VietJet Air vào ngày 3-8 bị Cục Hàng không xử phạt Ảnh: INTERNET
Theo quy định của ngành hàng không, tất cả mọi hoạt động diễn ra trên chuyến bay đều phải xin phép để bảo đảm an toàn bay. Nhưng đối với “sự kiện bikini”, nếu xin phép thì vấn đề “trang phục thoáng” và nhảy múa lại không thuộc thẩm quyền cấp phép của Cục Hàng không.
Khác với hàng không truyền thống, các hãng hàng không giá rẻ thường tổ chức các sự kiện, “chiêu” quảng cáo đầy bất ngờ nhằm nỗ lực thu hút sự chú ý của hành khách. Đầu năm nay, một hãng giá rẻ của Philippines là Cebu Pacific (hãng này có đường bay đến Việt Nam) đã gây ồn ào khi để tiếp viên nhảy múa minh họa trong lúc hướng dẫn thao tác an toàn trên máy bay với nền nhạc của một bài hát Giáng sinh.
Không thể xem nhẹ trang phục tiếp viên
Không đơn giản là bộ quần áo, trang phục tiếp viên hàng không còn thể hiện phong cách dịch vụ của hãng và cao hơn là văn hóa của một đất nước. Chính vì thế, các hãng hàng không đều rất thận trọng khi thiết kế trang phục cho tiếp viên.
Tiếp viên của các hãng hàng không Việt Nam đa số mặc áo dài. Trang phục áo dài của Vietnam Airlines (VNA) có màu đỏ viền vàng. Tạp dề của tiếp viên khi phục vụ bữa ăn cũng có cùng gam màu đỏ - vàng thêu hình hoa văn trống đồng Ngọc Lũ và là sản phẩm của nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh. Áo dài của tiếp viên hãng hàng không tư nhân Air Mekong có 2 màu xanh - đỏ sẫm, tương đồng với logo sếu đầu đỏ là nhận diện thương hiệu của hãng.
Tiếp viên của Jetstar Pacific Airlines mặc áo dài cách điệu màu vàng cam viền đen dài đến đầu gối. Cảm hứng xuyên suốt trong những bộ trang phục của các hãng hàng không này là chiếc áo dài thướt tha, thanh lịch, thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam và trong tình huống khẩn nguy, các cô gái có thể buộc 2 tà áo lại để di chuyển nhanh hơn.
Mặc thoáng nhất trong các hãng hàng không nội địa là VietJet Air với trang phục mũ calô, quần soóc kẻ xám đi cùng với áo ngắn tay màu đỏ. Trang phục này thể hiện sự trẻ trung, vui tươi, giàu sức sống, lấy ý tưởng từ hình ảnh đội thiếu sinh quân của Việt Nam năm 1946, gắn với hình ảnh cờ đỏ sao vàng sơn bên ngoài máy bay.
Nhầm áo dài với... xườn xám
Cũng trong cùng thời điểm này, cộng đồng mạng ồn ào chỉ trích hãng hàng không giá rẻ Air Asia của Malaysia vì nhầm lẫn áo dài Việt Nam với xườn xám. Trên Fanpage của mình, Air Asia đẩy lên bức ảnh 10 tiếp viên mặc trang phục truyền thống của 10 nước ASEAN để quảng bá cho chiến dịch mở rộng mạng đường bay trong khu vực. Nhưng trong ảnh không có áo dài Việt Nam mà chỉ có 9 cô gái mặc trang phục truyền thống của 9 nước ASEAN, còn một cô mặc xườn xám của Trung Quốc. Trước sự chỉ trích gay gắt của cư dân mạng và đe dọa tẩy chay, Air Asia đã đưa ra nhiều lý do để biện hộ nhưng cuối cùng phải chính thức xin lỗi “vì tấm ảnh này đã làm buồn lòng nhiều người Việt Nam”. |
Bình luận (0)