Phóng viên: Theo lẽ thường, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (QH) khóa mới sẽ bầu các chức danh như Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Song, kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII sẽ kiện toàn một số chức danh này. Vậy có điều gì bất thường không, thưa ông?
- Ông Đinh Xuân Thảo:
Đây không phải là lần đầu tiên QH kiện toàn nhân sự chủ chốt. Tại QH khóa X, khi đồng chí Nông Đức Mạnh chuyển sang làm Tổng Bí thư, cuối nhiệm kỳ QH đã bầu đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch QH. Cuối nhiệm kỳ QH khóa XI, khi đồng chí Nguyễn Văn An nghỉ hưu, QH cũng đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch QH. Khi Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ, QH đã bầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối nhiệm kỳ QH khóa XI.
Như vậy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước cũng có những điều chỉnh ở giữa hoặc cuối nhiệm kỳ chứ không phải không có tiền lệ. Dù vậy, so với những lần trước, kỳ họp này kiện toàn nhiều chức danh hơn.
Vì sao kỳ họp này lại kiện toàn nhiều chức danh hơn?
- Trước đây, khoảng cách từ Đại hội Đảng đến thời điểm bầu QH khóa mới khá xa, hơn 1 năm, sau đó chúng ta điều chỉnh lại nhiệm kỳ bầu cử QH với Đại hội Đảng gần nhau hơn nhằm kiện toàn bộ máy giữa Đảng và nhà nước phù hợp nhau. Lần này, do đặc thù sau Đại hội Đảng XII, một số đồng chí giữ chức vụ như Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ không tái cử; ở QH cũng có một số đồng chí thôi, không là ủy viên thường vụ QH nữa nên việc QH kiện toàn các chức danh chủ chốt ở kỳ họp cuối của nhiệm kỳ QH khóa XIII nhằm kiện toàn bộ máy để đi vào hoạt động thuận lợi hơn.
Thực tế, một nhiệm kỳ là 5 năm nhưng sẽ có một khoảng trống nếu lần này phải chờ đến tháng 7-2016, khi kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIV mới kiện toàn thì bộ máy lãnh đạo mới sẽ mất gần hết năm 2016 không triển khai được nhiệm vụ gì nhiều. Ngoài ra, mất thêm nửa năm cuối của nhiệm kỳ để bầu khóa mới, vậy cả nhiệm kỳ thực chất sẽ chỉ hoạt động 3 năm rưỡi. Nếu kiện toàn ngay kỳ họp này thì các lãnh đạo giữ cương vị chủ chốt của bộ máy nhà nước sẽ vận hành bộ máy được ngay, chỉ mất một quý của năm 2016. Đến kỳ bầu cử QH tới đây, những ai cần thiết phải ứng cử đại biểu QH thì tham gia ứng cử, không thì thôi, vì một số vị bộ trưởng không tham gia QH nên không cần phải chờ xem có trúng cử QH hay không. Rõ ràng, việc kiện toàn này là hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại kỳ họp này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Về nguyên tắc, QH bao giờ cũng bầu ra vị đầu tiên là Chủ tịch QH, sau đó đến Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng rồi đến các bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Việc đầu tiên là QH miễn nhiệm Chủ tịch QH. Việc miễn nhiệm này sẽ có tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH ra trước QH rồi QH thảo luận, sau đó biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nếu đa số đại biểu tán thành miễn nhiệm thì Chủ tịch QH đương nhiệm sẽ thôi chức và QH bầu Chủ tịch QH mới. Việc này cũng do Ủy ban Thường vụ QH giới thiệu trình ra QH rồi QH thảo luận ở đoàn, chốt lại danh sách bầu cử ở hội trường, sau đó bỏ phiếu kín. Nếu bầu được Chủ tịch QH mới thì sẽ tiến hành công bố trước QH.
Chủ tịch QH mới sẽ tiếp tục điều hành để kiện toàn công tác nhân sự như kiện toàn Ủy ban Thường vụ QH; giới thiệu dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước. Sau khi bầu được Chủ tịch nước, Chủ tịch nước sẽ giới thiệu ra QH dự kiến nhân sự để bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng. Thủ tướng mới sẽ trình danh sách để QH phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ trước QH, quốc dân đồng bào.
Hôm nay (28-3), QH thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Chuẩn bị rất kỹ, bài bản
Ông Đinh Xuân Thảo cho biết công tác nhân sự đã được Đảng chuẩn bị rất kỹ, bài bản, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược, lãnh đạo cấp cao của bộ máy nhà nước. Những đảng viên ưu tú sẽ trực tiếp tham gia bộ máy nhà nước thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện sự lãnh đạo đối với nhà nước.
“Tôi tin các vị trí lãnh đạo khóa mới sẽ có đủ năng lực, nhiệt huyết và phát huy tốt tài năng, trí tuệ của mình để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân” - ông Thảo bày tỏ.
Bình luận (0)