Chiếc Honda ôm lao phằm phằm trên con đường đầy đá dăm nhỏ hẹp vắt vẻo giữa những quả núi dẫn vào xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Ngôi nhà của hai chị em cô gái Mường, Thanh và Lành trống huếch trống hoác nằm chơ vơ như tách biệt với bản làng. Lúc chúng tôi đến, cô em đi vắng, chỉ có Thanh, cô chị ở nhà. Thấy khách lạ, lại từ dưới xuôi lên, Thanh rụt rè đưa ánh mắt nhìn dò xét. Sau vài câu chuyện bâng quơ, có vẻ đã quen với khách, Thanh mới sụt sùi giãi bày: “Theo chúng bạn bỏ làng ra thị xã Sơn Tày (Hà Tây), cứ tưởng là được làm ôsin, nhưng chỉ vài ngày, chúng đưa em đi đến một nhà hàng karaoke, bắt phải tiếp khách. Rồi bị công an bắt...”. “Sao bị công an bắt rồi đưa đi cải tạo, Thanh không bỏ quách cái nghề ấy đi?”. Bị hỏi bất ngờ, cô sơn nữ im lặng...!? Thế mới thấy sự cám dỗ của đồng tiền mà các cô có được hằng đêm, trong khi không phải lao động cực nhọc, sự ám thị bởi cái vẻ hào nhoáng của chốn phồn hoa đã khiến những “đóa hoa rừng” như những con thiêu thân lao vào những cuộc mua bán mặc cả thâu đêm suốt sáng. Để rồi kết cục thật bi thảm, giờ đây, mầm bệnh AIDS đang hành hạ và ám ảnh cô. Ước mơ có chồng có con, có một gia đình yên ấm với cô chỉ còn là dĩ vãng. Sau một thời gian dài quăng quật nơi đất khách, chị em cô dắt díu nhau trở về nơi chôn rau cắt rốn. Cuộc sống của họ giờ chỉ trông chờ và hy vọng vào cửa hàng tạp hóa bé xíu.
Chuyện vợ chồng nhà anh Lưới ở xóm Cao thì khác, mấy năm trước, chẳng hiểu “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” thế nào mà vợ anh bỏ nhà đi để lại mấy bố con với căn nhà tồi tàn. Nghe người trong bản đồn là vợ anh làm ở nhà hàng này, nhà hàng nọ. Lưới đã khăn gói xuống tận Hà Nội để tìm nhưng không thấy. Khi nghe tin vợ bí mật về xã làm chứng minh thư, mấy bố con kéo nhau lên xã giữ bằng được vợ ở lại. Nhưng chỉ được vài ngày, chị lại bỏ nhà đi. “Vợ anh làm chứng minh thư để làm gì?” nghe tôi hỏi, Lưới vẫn đang tức khi nhắc lại chuyện vợ bỏ đi nên quát to: “Mày chán thật, thế mới chứng tỏ là gái bản, mới đắt khách”.
Tôi đã nghe nhiều tay chơi nói về các cô sơn nữ đi làm nghề mại dâm, họ coi đấy là những món “đặc sản”, mà đã là đặc sản là hiếm và có cái giá riêng của nó. Trường hợp của Hồng là một ví dụ. Cũng như nhiều cô gái bản khác, công việc đầu tiên của Hồng là ôsin giúp việc, rồi nhờ có chút nhan sắc mà công việc của Hồng cứ thay đổi dần dần, phục vụ bưng bê và “đỉnh cao” của “nghề nghiệp” là khi người ta gọi Hồng với cái tên rất Tây: cave. Hồng hơn đứt các cô gái khác ngoài nhan sắc còn bởi cái “thương hiệu” “sơn nữ”. Hồng được một đại gia ở Hà Nội “bao” cho đến khi bà vợ của đại gia đó phát hiện. Kết cục của cuộc đụng độ tưng bừng đó là cả “hoa nhà” lẫn “hoa rừng” đều... tan tác.
Buổi chiều, trong ngôi nhà của ông Thành, một người cả đời gắn bó với bản. Nghe chuyện, ông bảo: “Cũng muốn vận động họ bỏ nghề nhưng... khó quá”. Cái khó của sự nghèo đói, của lạc hậu cứ đeo bám mãi người dân ở đây. Họ muốn bứt ra, ra ngoài làm kinh tế, nhưng nhiều người thậm chí còn không biết đọc, biết viết, không được đào tạo nghề... đó là những yếu tố kéo họ lại không bứt lên được.
Bình luận (0)