Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhiều địa phương tại ĐBSCL gấp rút xây dựng các cụm, tuyến dân cư phòng tránh thiên tai mới để đưa người dân vào đây sinh sống.
Không để dân thiếu nhà
Sau khi xảy ra vụ sạt lở sông Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), chính quyền địa phương các cấp của tỉnh An Giang khẩn trương hơn trong việc triển khai các chính sách tái định cư (TĐC) cho người dân vùng sạt lở. Với 51 đoạn sông, rạch trên địa bàn có nguy cơ sạt lở, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng lên đến 20.000 hộ, Tỉnh ủy An Giang đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện các đề án di dời, TĐC. Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đang gấp rút xây dựng 15 cụm, tuyến dân cư tại 15 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Riêng với 16 hộ mất nhà do sạt lở sông Vàm Nao, ông Thư cho biết thêm đã đưa các hộ này vào khu dân cư do một doanh nghiệp ở địa phương xây dựng. Về lâu dài, các hộ dân sẽ được bố trí ở khu TĐC phòng tránh thiên tai để ổn định cuộc sống. Quan điểm của Tỉnh ủy An Giang đặt ra là từ nay đến năm 2025, phải chuyển hết người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở về nơi ở mới, không để ai phải thiếu nhà.
Sắp tới, cụm tuyến dân cư vượt lũ tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) sẽ bố trí cho dân vùng sạt lở vào ở Ảnh: Ngọc Trinh
Từ năm 2016-2020, mỗi năm TP Cần Thơ tổ chức TĐC cho gần 400 hộ dân. Dự kiến từ nay đến năm 2020, Cần Thơ cần di dời 2.500 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở vào khu TĐC. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, để hoàn thành kế hoạch tái bố trí dân nói trên, Cần Thơ đang thực hiện 36 dự án TĐC với quy mô tiếp nhận 6.000 hộ. Cùng với đó đầu tư trên 3.500 tỉ đồng xây dựng nhiều công trình kè chống sạt lở bờ sông, trong đó lớn nhất là công trình kè sông Cần Thơ với vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng.
Còn theo Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, cơ quan này đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai thi công 53 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 vì mới thực hiện san lấp mặt bằng cho 13.423/15.193 hộ dân thuộc khu vực nguy cơ sạt lở và vùng trũng ngập lũ để xây nhà ở. Theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp, mỗi hộ dân đồng ý di dời vào khu TĐC hoặc tự tìm chỗ ở mới ổn định lâu dài sẽ được hỗ trợ phần chi phí với mức 10 triệu đồng. Riêng những hộ có nhà bị ảnh hưởng do sạt lở sẽ được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng.
Phải bảo đảm việc làm
Cái khó hiện nay là kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương hỗ trợ cho công tác di dời, TĐC còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn e ngại khi về nơi tái định cư, thậm chí có hộ cương quyết không vào. Lý do, theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, là vì khi vào nơi ở mới, sinh hoạt, mưu sinh của người dân không thuận lợi như trước. “Trên thực tế, các cụm, tuyến dân cư được quy hoạch xa những địa điểm cũ nên người dân không chịu vào ở. Chính bất cập đó đã dẫn đến nghịch lý khu TĐC bị bỏ hoang trong khi người dân sống thấp thỏm trong vùng sạt lở” - ông Võ Thành Ngoan nhận định.
Cho rằng công tác TĐC, di dời dân vùng sạt lở, vùng ngập lũ hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc, ông Trần Anh Thư cho rằng để chính sách lớn thực thi hiệu quả, điều quan trọng hàng đầu là phải bảo đảm kế mưu sinh bền vững cho người dân. “Các địa phương nên lưu ý đây là khu TĐC cho người dân chịu ảnh hưởng thiên tai chứ không phải dành để cấp phát theo kiểu nhà tình nghĩa hay cho hộ nghèo. Cho nên, phải xem xét một cách thấu đáo, xem người dân đang mưu sinh, làm việc thế nào. Ví dụ như ở khu vực Mỹ Hội Đông, bà con bị mất nhà do sạt lở sông Vàm Nao chủ yếu mua bán, sản xuất sản phẩm làng nghề, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên phải tính đến việc làm phù hợp cho họ khi đưa vào nơi TĐC” - ông Thư gợi ý.
Cũng theo ông Thư, nhiệm vụ này là của các ngành, các địa phương khi quy hoạch khu TĐC. “Từ trước đến nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL chủ yếu hướng đến một mục tiêu duy nhất đó là làm sao di dời được dân về đây nên thường chọn ở những khu đất xa chợ để có quỹ đất giá rẻ mà không quan tâm đến sinh kế của dân” - ông Thư nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-5
Nên chống sạt lở bằng kè sinh học
Cùng với công tác di dời dân, việc triển khai các biện pháp chống sạt lở cũng đang được các tỉnh, thành ĐBSCL như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh… gấp rút thực hiện. Theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, biện pháp phổ biến hiện nay là các địa phương xây dựng kè để chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cách làm này tốn nhiều kinh phí nhưng hiệu quả mang lại không cao. Bằng chứng là đê, kè ở nhiều địa phương bị sụt, lún chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. Do vậy, có thể làm “đê mềm” (hay còn gọi là kè sinh học) như trồng tràm, đước, thông…, vừa ít tốn tiền lại có tác dụng chống xói lở lâu dài cũng như tạo thêm sinh kế cho người dân.
Ông Vinh dẫn chứng mô hình phòng chống sạt lở bờ sông bằng kè sinh học áp dụng rất thành công ở rạch Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và cù lao Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Bờ kè sinh học ở rạch Cái Sơn chạy dọc hai bên, dài hơn 3 km, được xây dựng chỉ trong 2 tháng, hoàn thành vào tháng 9-2014. Kè được đóng cừ tràm, bên trong kè trồng các cây có tác dụng giữ bờ và thả bèo lục bình chắn sóng. Từ đó đến nay, bờ rạch Cái Sơn đã ổn định và không bị sạt lở thêm.
Bình luận (0)