Tại đoạn G1 kè Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) - nơi tiếp giáp giữa kè sông và kè biển Gành Hào - liên tiếp trong 2 đêm 12 và 13-2, triều cường dâng cao kèm theo sóng to đã phá hủy nhiều đoạn. Khối bê tông nặng khoảng 6 tấn cũng bị sóng cuốn ra xa.
Bàng hoàng trong sóng dữ
Tại hiện trường, mặt kè bị sụp, một số vị trí gần đó tiếp tục bị sóng đánh lở và có dấu hiệu rạn nứt. Cầu Rạch Vượt nằm phía bên trong giáp với kè sông Gành Hào cũng bị sóng đánh sụp một bên móng, làm gián đoạn phương tiện lưu thông. Nghiêm trọng hơn, khi đỉnh triều lên cao, sóng lớn đánh phủ qua đỉnh kè, nước tràn vào bên trong một số đoạn đường nội ô làm thị trấn Gành Hào bị ngập sâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Còn tại kè đê biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu), rạng sáng 13-2, biển động cấp 8, 9 làm sạt lở, vỡ một đoạn kè khoảng 20 m ngay Khu Du lịch Nhà Mát. Sóng biển tràn qua đỉnh kè, đánh thẳng vào hàng loạt nhà dân, gây thiệt hại đồ đạc và cuốn trôi nhiều tài sản. Ngay trong đêm, các hộ dân bị ảnh hưởng đã được sơ tán đến nơi an toàn. Các hộ dân còn lại ở khu vực lân cận cũng được lực lượng chức năng thông tin kịp thời về diễn biến để chủ động di dời ngay khi dự báo có tình huống xấu xảy ra.
Bà Phạm Thị Liên (63 tuổi), bán hải sản bên trong kè đê biển Nhà Mát, bàng hoàng kể: “Khoảng 2 giờ, tôi và con trai đang ngủ bỗng nước từ đâu ập xuống đầu. Giật mình thức giấc thì thấy từng đợt sóng cao tận đầu người cứ liên tiếp ập vào nhà. Toàn bộ đồ đạc trong nhà từ xe máy, tivi... đều hư hỏng. Hàng trăm chai bia, nước ngọt; hàng chục kg hải sản tươi sống bị cuốn ra biển”.
Gần đó, vợ chồng ông Trương Hoài Thơm và bà Trần Thị Diện lội bì bõm trong nước để nhặt lại những gì còn dùng được. “Sống ở đây được 2 năm, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy. Sóng cao tới đầu người, không có đường chạy, phải đi cửa sau, trèo hàng rào lánh nạn. Tài sản trong nhà, ngoài chiếc xe máy còn sửa được thì tivi, tủ lạnh… đều hư hỏng. Bàn, ghế, tủ, giường... bị đánh nát bét, cả cái bàn thờ cũng bị cuốn trôi. Tài sản tích cóp bao năm trong phút chốt đã tan như bọt biển...” - bà Diện buồn bã.
Sẽ phá sóng từ xa
Kè đê biển Gành Hào và Nhà Mát là 2 tuyến kè tiếp giáp cửa biển lớn của tỉnh Bạc Liêu. Hai tuyến kè đê biển này có vai trò quan trọng trong việc chắn sóng, triều cường, bảo vệ cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân và hàng chục ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng hoa màu. Đặc điểm của 2 tuyến bờ biển này là dốc thẳng đứng, không có bãi, sóng biển vỗ trực tiếp và rất mạnh nên phương án xây kè có tính chất bảo vệ lâu dài gặp nhiều khó khăn. Đây là lần thứ 3 trong hơn 1 năm qua, kè Gành Hào bị sạt lở sau 11 năm đưa vào sử dụng và lần sạt lở này nghiêm trọng nhất.
Sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung có mặt tại hiện trường, trực tiếp khảo sát tình hình thiệt hại ở 2 tuyến kè trên. Ông Trung chỉ đạo chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng triển khai nhanh các biện pháp tiếp ứng để bảo đảm an toàn tính mạng và giảm bớt thiệt hại về tài sản cho người dân. “Trước mắt, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng khẩn trương giúp dân khắc phục thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh. Công tác giữ gìn tài sản cho những hộ dân sơ tán phải thực hiện tốt, tránh tình trạng bị đối tượng xấu lấy trộm” - ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trung cũng yêu cầu ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến triều cường, đê kè Nhà Mát và Gành Hào để chủ động ứng phó kịp thời, nhất là cao điểm đỉnh triều cường từ ngày 12 đến 15-2. Riêng việc khắc phục các đoạn kè bị hư hỏng thì cần có phương án cụ thể, khả thi dựa trên tham vấn của các nhà khoa học và nguồn vốn thực tế của địa phương. Trong đó, các giải pháp thực hiện việc phá sóng từ xa bảo vệ lâu dài hệ thống kè sẽ được tỉnh Bạc Liêu chú trọng xem xét.
Cà Mau đã có cách bảo vệ kè đê biển
Theo tìm hiểu, sau thời gian dài áp dụng mọi biện pháp hộ đê biển Tây không hiệu quả, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã chọn được phương án xây dựng kè ngầm tạo bãi bằng cách xây dựng 2 hàng cọc bê tông để giảm bước sóng, tranh thủ lượng phù sa ngoài biển kéo về khôi phục lại bãi bồi.
Tuy nhiên, theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, phương án ở Cà Mau khó thực thi tại bờ biển Đông Bạc Liêu vì bờ biển nơi đây không có bãi cạn nên rất khó triển khai xây dựng.
Bình luận (0)